Chính trường Nhật Bản: Sao có đổi ngôi?

24-07-2009 17:24 | Quốc tế
google news

Kết cục của đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền đang đặt chính trường Nhật Bản trước khả năng lần đầu tiên thay đổi thế độc tôn của đảng cầm quyền LDP sau nửa thế kỷ, nhường vị trí lãnh đạo đất nước cho đảng Dân chủ đối lập (DPJ).

Kết cục của đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền đang đặt chính trường Nhật Bản trước khả năng lần đầu tiên thay đổi thế độc tôn của đảng cầm quyền LDP sau nửa thế kỷ, nhường vị trí lãnh đạo đất nước cho đảng Dân chủ đối lập (DPJ). Tất cả sẽ được quyết định trong cuộc tổng tuyển cử ngày 30/8 sắp tới tại Nhật Bản.

Thất bại trong cuộc bầu cử Hội đồng thành phố Tokyo của đảng LDP đã đặt dấu chấm hết cho uy tín của đảng cầm quyền cũng như sụp đổ niềm tin của người dân trước Chính phủ của Thủ tướng Taro Aso. Bước đi cuối cùng nhằm cứu vãn tình thế của Chủ tịch đảng LDP và vực dậy niềm tin của cử tri là Thủ tướng T.Aso tuyên bố giải tán Hạ viện, mở đường cho một cuộc tổng tuyển cử trước hạn. Vậy là Thủ tướng T.Aso cũng phải sớm ra đi, kết thúc một nhiệm kỳ ngắn ngủi với rất ít thành quả để lại.

 Hạ viện Nhật Bản đang trông chờ một sự thay đổi.
Theo giới quan sát, nguyên nhân sâu xa dẫn tới thất bại thảm hại của đảng LDP là do đảng cầm quyền và Thủ tướng đã không giải quyết nổi các vấn đề liên quan đến cải cách hệ thống ngân hàng, di chuyển địa ốc và cải cách ngành bưu chính. Cuộc rượt đuổi giữa đảng LDP và DPJ đối lập trong cuộc bầu cử Hội đồng thành phố là phép thử đối với đảng cầm quyền và tương lai chính trị của Thủ tướng.

Chưa bao giờ trong suốt 44 năm qua LDP bị qua mặt, nhưng tại cuộc bầu cử Hội đồng địa phương lần này, đảng Dân chủ tự do LDP chỉ giành được 38 ghế so với đảng Dân chủ đối lập DPJ giành được 54 ghế. Đảng DPJ đã chiến thắng tuyệt đối so với đảng cầm quyền khi giành được 6/7 khu vực bầu cử có 1 ứng viên. Có thể nói cuộc bầu cử mang tính chất địa phương ở Tokyo nhưng lại là phép thử cho cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Rõ ràng uy tín của LDP đang ngày một sa sút, kinh tế vẫn dậm chân tại chỗ, thậm chí còn thụt lùi khi mới đây Bộ Kinh tế thương mại Nhật Bản công bố một báo cáo cho thấy nước này để mất vị trí á quân của kinh tế thế giới vào tay Trung Quốc. Còn trong nội bộ đảng xuất hiện nhiều vết rạn nứt.

Về phần mình, đảng DPJ đối lập lại nổi lên như một gương mặt mới, với hy vọng làm đổi thay đất nước nhờ sức trẻ của thành phần ban lãnh đạo. Theo kết quả thăm dò dư luận ngày 20/7, 56% người được hỏi khẳng định mong muốn đảng DPJ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện sắp tới. Nếu DPJ lên nắm quyền, người dân Nhật Bản có quyền hy vọng vào một chính phủ trẻ, quan tâm đến lợi ích của người tiêu dùng hơn là các công ty, độc lập hơn đối với Mỹ và đóng góp nhiều hơn cho các sứ mệnh gìn giữ hòa bình, giảm bớt vai trò của chính phủ.

Tâm lý muốn thay đổi đang chi phối hoàn toàn chính trường Nhật Bản, và điều này kéo theo khả năng đảng DPJ sẽ thắng lớn trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Rất nhiều kịch bản được vạch ra cho tương lai của xứ sở hoa anh đào. Đó là DPJ sẽ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử ngày 30/8 tới hoặc trong tình thế eo hẹp cuối cùng là DPJ sẽ phải liên minh với các đảng khác để giành thắng lợi tại Hạ viện. Nếu điều này xảy ra thì cả Thượng viện và Hạ viện sẽ nằm trong tay của đảng Dân chủ đối lập, và tương lai chính trị Nhật Bản vì thế sẽ tránh được nhiều mâu thuẫn hơn. Kịch bản thứ 2 được xét tới là LDP sẽ giành chiến thắng khi liên minh với một đảng khác mặc dù điều này ít có khả năng xảy ra hơn cả. Kịch bản cuối được cho là nhiều rắc rối nhất là cả hai đảng đều không giành được số ghế cần thiết và buộc phải tìm kiếm các đảng khác để liên minh, điều này sẽ đẩy nước Nhật vào vòng đấu tranh chính trị và làm rối thêm tình hình. Cuộc đua tranh quyền lực giữa các chính đảng ở Nhật đã thực sự bắt đầu ngay từ khi Thủ tướng giải tán Hạ viện, nhiều người dân Nhật Bản vẫn đang mong chờ một sự thay đổi thực chất hơn và một sự ổn định chính trị lâu dài hơn...

Hương Giang(Theo AFP, Googlenews)


Ý kiến của bạn