Chính thức vận hành đường dây 500 kV Vĩnh Tân - rẽ Sông Mây - Tân Uyên

03-06-2019 20:30 | Thời sự
google news

SKĐS - Việc đóng điện đưa vào vận hành đường dây 500 kV Vĩnh Tân - rẽ Sông Mây - Tân Uyên sẽ góp phần giải tỏa công suất của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân tại tỉnh Bình Thuận vào hệ thống điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải của khu vực miền Nam.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN cho biết, 22h36 ngày 2/6/2019, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam (SPMB) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đóng điện chính thức đưa vào vận hành đường dây 500 kV Vĩnh Tân - rẽ Sông Mây - Tân Uyên.

Đường dây 500 kV Vĩnh Tân - rẽ Sông Mây - Tân Uyên (mạch 3 Vĩnh Tân - Sông Mây) dài 243 km. Đây là đường dây 2 mạch đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai, nối từ sân phân phối 500 kV của trạm biến áp 500 kV Vĩnh Tân đến cột rẽ nhánh của đường dây 500 kV Sông Mây - Tân Uyên.

Công trình do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, SPMB thay mặt EVNNPT quản lý điều hành dự án, Công ty Truyền tải điện 3 và Công ty Truyền tải điện 4 tiếp nhận, quản lý vận hành khi công trình hoàn thành.

Việc đóng điện đưa vào vận hành đường dây 500 kV Vĩnh Tân - rẽ Sông Mây - Tân Uyên sẽ góp phần giải tỏa công suất của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân tại tỉnh Bình Thuận vào hệ thống điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải của khu vực miền Nam.

Đồng thời, tạo liên kết các nguồn điện lớn khác trong tương lai của khu vực Nam Trung bộ với hệ thống điện quốc gia; nâng cao tính ổn định, tin cậy cho hệ thống.

Liên quan đến các dự án năng lượng tái tạo, kịp thời bổ sung nguồn năng lượng sạch cho hệ thống điện quốc gia, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Bộ Công Thương đã tiếp nhận nhiều dự án về năng lượng tái tạo. Có thể khẳng định đây là chính sách hết sức đúng đắn của Đảng, Chính phủ, khi chúng ta có thể nhìn nhận trong thời gian tới, nguy cơ thiếu điện là hiện hữu nếu không có những biện pháp phù hợp để khuyến khích sản xuất điện.

Điện hạt nhân chúng ta đã có quyết định tạm dừng triển khai. Thủy điện thì có thể nói đã được sử dụng đến mức tối đa, gần như là cạn kiệt, thậm chí các nguồn nước cho thủy điện nhiều khi không đảm bảo. Nhiệt điện thì cũng gây rất nhiều tác hại về môi trường, báo chí đã nói rất nhiều. Do đó hiện chúng ta định hướng tập trung khuyến khích phát triển vào năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió, điện mặt trời…

Nhiều dự án Bộ Công Thương đã tiếp nhận và có một số đã đi vào hoạt động và sắp tới có thể sớm đi vào hoạt động. Nhưng cũng có những thách thức. Ví dụ liên quan đến Luật Quy hoạch chẳng hạn, hiện nay Bộ Công Thương đã có báo cáo Chính phủ về việc mấy trăm dự án năng lượng mặt trời đã đăng ký bị ngưng trệ, không triển khai được.

Các dự án năng lượng tái tạo đã hoặc sắp hoàn thành có nghĩa là sản xuất ra điện nhưng để đấu nối vào mạng lưới điện quốc gia thì phải có nguồn tài chính của EVN để đầu tư, xây dựng hệ thống đấu nối vào mạng lưới điện quốc gia...

P.H
Ý kiến của bạn