Với hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia, các bà mẹ có thể chọn giờ, địa điểm tiêm, nhận tin nhắn nhắc cho con em đi tiêm chủng, đặt lịch hẹn tránh chờ đợi; lịch sử tiêm chủng được theo dõi suốt đời. Đây là các thông tin được đưa ra tại buổi lễ Khai trương hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia do Bộ Y tế phối hợp với Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) tổ chức.
Số hóa việc quản lý vắc-xin, tiêm chủng
Thông tin tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hơn 30 năm triển khai công tác tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam đã có hàng trăm triệu liều vắc-xin các loại được tiêm miễn phí cho trẻ em và phụ nữ. Nhờ tiêm chủng mở rộng, nhiều dịch bệnh đã được khống chế và đẩy lùi. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai tiêm chủng cũng gặp không ít khó khăn. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 1,7 triệu trẻ ra đời, nhưng vẫn còn nhiều trẻ trong độ tuổi chưa được tiêm chủng đầy đủ. Một số xã, phường có tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp; nguy cơ bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm là rất lớn. Vì thế, việc đưa vào sử dụng hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia sẽ giúp hệ thống này quản lý, lưu trữ một số lượng lớn thông tin tiêm chủng của trẻ ở độ tuổi tiêm chủng trên tất cả các trạm y tế cấp phường/xã, quận/huyện và tỉnh thành. Đặc biệt, qua đó người dân có thể đăng ký nơi, giờ tiêm chủng, được nhắc lịch tiêm qua tin nhắn... Lịch sử tiêm chủng người dân được theo dõi suốt đời, thông tin được bảo mật cao. “Hệ thống này cũng sẽ giúp cơ quan chức năng phát hiện kịp thời những trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ; những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp”, Thứ trưởng Long nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ khai trương hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia.
Một ưu điểm lớn nữa, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết là: “Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia khi đưa vào sử dụng là đột phá của cả ngành y tế bởi nó chuyển từ việc quản lý tiêm chủng, vắc-xin trên giấy sang quản lý bằng phần mềm tiện lợi và tiết kiệm hơn rất nhiều”.
Bước ngoặt lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ, ông rất vui bởi: “Đây là điều tâm huyết của rất nhiều anh chị em cán bộ ngành y tế, đặc biệt anh em về y tế dự phòng. Đây là bước ngoặt không chỉ đối với lĩnh vực y tế dự phòng, mà cả công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói thêm: “Chúng ta biết rằng, Việt Nam nói chung đang phát triển và còn nhiều lĩnh vực hạn chế, nhưng tương lai của đất nước ở phía trước, nên dù rằng rất khó khăn nhưng quyết tâm làm một cái gì, thậm chí có những việc mà theo các bạn tổ chức quốc tế nói với tôi là nhiều nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam rất nhiều cũng chưa làm được. Việc đưa vào sử dụng hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia là một trong những ví dụ”.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ cho ngành y tế và nhấn mạnh đây là một quá trình kiên trì, liên tục, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của ngành y tế để tạo bước chuyển mạnh mẽ, rõ nét về chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân. Đây là cam kết của Chính phủ đối với toàn dân. Về phía Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Phó Thủ tướng chỉ đạo chia sẻ toàn bộ dữ liệu, thông tin cá nhân và những gì liên quan đến sức khỏe của người mua thẻ bảo hiểm y tế để Bộ Y tế cập nhật vào hệ thống này.
Đại tá Tống Viết Trung, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel - đơn vị xây dựng hệ thống cũng cho biết, hệ thống này sử dụng dễ dàng trên cả máy tính bảng, smartphone. Mỗi người dân sẽ được theo dõi và quản lý tiêm chủng trọn đời theo mã số cá nhân. Qua đó người dân có thể dễ dàng sử dụng để nắm được lịch sử tiêm chủng, số mũi tiêm, phản ứng sau tiêm của con. Hệ thống cũng loại bỏ hoàn toàn việc quản lý trên giấy, từ đó tiết kiệm thời gian và giúp tiết kiệm 100 tỷ mỗi năm cho xã hội. Theo TS. Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, việc áp dụng hệ thống này sẽ giúp thành phố tiết kiệm được hơn 13.000 ngày công.
Đồng thời thực hiện quản lý quá trình, toàn diện các công tác tiêm chủng cho cán bộ trực tiếp và cán bộ quản lý 4 tuyến từ Trung ương (Cục Y tế dự phòng, các viện vệ sinh dịch tễ/viện Pasteur, sở y tế, trung tâm y tế dự phòng, BVĐK 63 tỉnh/thành phố và tuyến huyện, xã, cơ sở tiêm chủng dịch vụ).
Hệ thống đã được thí điểm thành công ở 5 tỉnh/thành phố và dự kiến triển khai áp dụng trên phạm vi toàn quốc từ 1/6/2017 sẽ kết nối tất cả các cấp với 17.000 điểm phục vụ người dân được thực hiện theo cơ chế thuê dịch vụ công nghệ thông tin.