Chính thức đưa vào sử dụng dịch vụ xe đạp công cộng tại Hà Nội

24-08-2023 12:27 | Xã hội

SKĐS - Trong giai đoạn đầu, xe đạp công cộng sẽ được triển khai tại 79 điểm trạm với 1.000 phương tiện trong đó có 500 xe đạp điện.

Sau thời gian 7 ngày thử nghiệm (từ ngày 16 - 22/8), đến sáng 24/8, Hà Nội chính thức ra mắt dịch vụ xe đạp điện, xe đạp công cộng phục vụ đi lại của người dân Thủ đô.

Được biết, hiện đã có 16.452 tài khoản mới được kích hoạt với 7.454 chuyến đi, tương đương 46.894km đã đi (trung bình 6,3km/chuyến đi).

Chính thức đưa vào sử dụng dịch vụ xe đạp công cộng tại Hà Nội - Ảnh 1.

Chính thức đưa vào sử dụng dịch vụ xe đạp công cộng tại Hà Nội từ sáng 24/8.

Đại diện Tập đoàn Trí Nam cho biết, trong giai đoạn đầu có 1.000 xe đạp, trong đó có 500 xe đạp điện sẽ được bố trí tại 79 điểm trạm. Các trạm xe được bố trí gắn kết với các điểm dừng xe buýt, công viên, các điểm du lịch bảo đảm cho người dân có thể đi bộ để tiếp cận dịch vụ thuận lợi.

Giá thuê một chiếc xe đạp trợ lực điện là 10.000 đồng cho 30 phút sử dụng, còn đối với xe đạp cơ là 5.000 đồng. Đây là mức chi phí được người tiêu dùng và khách du lịch đánh giá là khá rẻ.

Khách thuê sẽ tải ứng dụng cho thuê xe đạp công cộng, nạp tiền vào tài khoản, dùng thẻ từ hoặc smartphone quét QR code trên khóa xe để mở khóa. Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ nên quá trình vận hành sẽ mang lại nhiều tiện ích cho cả người dùng và đơn vị quản lý.

Các trạm xe không cần người trông coi. Người dùng có thể trả xe ở điểm trạm bất kỳ và ngay cả khi số tiền trong tài khoản không còn đủ, vẫn có thể tiếp tục di chuyển bằng xe đạp điện công cộng. Bởi tiền thuê xe sẽ được tính trong lần tiếp theo khi người dân nạp tiền vào tài khoản.

Chính thức đưa vào sử dụng dịch vụ xe đạp công cộng tại Hà Nội - Ảnh 2.

Các trạm xe đạp công cộng được bố trí thuận lợi, đặt tại các công viên, vườn hoa và các khu vực công cộng khác.

Trong thời gian thí điểm 12 tháng, UBND Thành phố Hà Nội đề nghị Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam theo dõi, tiếp thu phản hồi của người dân, du khách, nhằm hoàn thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Thành phố Hà Nội cũng giao Sở Giao thông Vận tải có trách nhiệm thường xuyên theo dõi tình hình thực hiện, sau 12 tháng thí điểm có báo cáo đánh giá về chất lượng, hiệu quả thí điểm mô hình dịch vụ xe đạp công cộng, tham mưu, đề xuất UBND thành phố xem xét, quyết định việc triển khai trong thời gian tiếp theo theo đúng quy định.

Xem thêm video được quan tâm:

Tranh Cãi Việc Hà Nội Lại Tính Cấm Xe Máy Tại 12 Quận | SKĐS


Thành Long
Ý kiến của bạn