Hà Nội

Chính thức di dân phố cổ từ năm 2016

05-05-2014 09:01 | Thời sự
google news

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), ông Vũ Văn Viện cho biết, cuối năm nay, sẽ khởi công xây dựng công trình nhà ở giãn dân phố cổ tại Khu đô thị Việt Hưng, Long Biên. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành vào năm 2016 để đón những cư dân phố cổ sang sinh sống.

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), ông Vũ Văn Viện cho biết, cuối năm nay, sẽ khởi công xây dựng công trình nhà ở giãn dân phố cổ tại Khu đô thị Việt Hưng, Long Biên. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành vào năm 2016 để đón những cư dân phố cổ sang sinh sống.

Cuối năm bắt đầu khởi công

Về khu nhà dành cho người dân phố cổ trong tương lai, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch ô đất xây dựng nhà ở giãn dân phố cổ trong Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên. Khu nhà gồm 16 tòa nhà cao 9 tầng, 1 tòa nhà hỗn hợp (gồm trung tâm thương mại dịch vụ, chung cư, công trình công cộng) cao 15 tầng. Khu ở được bố trí đầy đủ các công trình phúc lợi công cộng như nhà trẻ - mẫu giáo, trạm y tế, không gian sinh hoạt cộng đồng... Theo UBND quận Hoàn Kiếm, khoảng 30% số hộ dân di dời sẽ được bố trí ki-ốt kinh doanh, bán hàng ở tầng 1 các tòa nhà. UBND quận sẽ quy hoạch các cửa hàng theo nhóm ngành hàng, có cả tuyến phố đi bộ... để người dân có điều kiện kinh doanh, kiếm sống.

Theo UBND quận Hoàn Kiếm, các đối tượng tự nguyện giãn dân gồm các hộ dân đang sống trong các biển số nhà đông hộ (diện tích dưới 5m2/người) sẽ được mua 1 căn hộ tại khu nhà ở giãn dân với giá đảm bảo kinh doanh. Diện tích căn hộ được bố trí phù hợp với số nhân khẩu trong hộ di chuyển. Chính sách này được áp dụng với cả những trường hợp hộ gia đình đông khẩu nhiều thế hệ đang sinh sống, có nguyện vọng tách hộ để di chuyển một phần nhân khẩu sang nơi ở mới.

Về giá bán căn hộ, ông Vũ Văn Viện cho biết, “giá đảm bảo kinh doanh là giá thành xây dựng và lãi vay ngân hàng và lợi nhuận định mức (dành cho nhà đầu tư) 10%. Để thu hút doanh nghiệp xây dựng nhà, UBND quận cam kết, nhà đầu tư ứng vốn thi công được 15% số lượng căn hộ để bán theo giá thị trường và được hưởng các ưu đãi khác theo quy định pháp luật”.

phố-cổ
Người dân phố cổ sẽ chính thức di dời sang Long Biên từ năm 2016

Cập nhật tiến độ của đề án giãn dân phố cổ, ông Lâm Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, đại diện chủ đầu tư cho biết, quận Hoàn Kiếm đã giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng nhà ở giãn dân phố cổ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư. Dự kiến, quận sẽ khởi công công trình vào quý IV-2014 và hoàn thành vào năm 2016. Ông Lâm Quốc Hùng nói thêm: “Đây là một dự án lớn. Quận sẽ xây trước 2 tòa nhà, các công trình còn lại sẽ làm theo hình thức cuốn chiếu, đến năm 2016 sẽ hoàn thành”.

Trả lời câu hỏi “hiện nay, đã có bao nhiêu hộ dân tự nguyện đăng ký di dời sang Khu đô thị Việt Hưng”, ông Lâm Quốc Hùng không đề cập con số cụ thể: “Người dân đang rất mong chờ thực hiện giai đoạn I của đề án. Vừa qua, quận cũng đã di dời được một số hộ dân đang sống trong các di tích...”.

Ngăn ngừa “đi rồi, quay lại”

Mục tiêu của Đề án nhằm làm giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ từ 823 người/ha năm 2010 xuống còn 500 người/ha - là mật độ theo quy hoạch đến năm 2020, tương ứng phải di chuyển khoảng 6.550 hộ dân với khoảng 26.200 dân. Tuy nhiên, dư luận băn khoăn, liệu sau khi di dời dân, có xuất hiện các công trình quy mô trong phố cổ? Giải đáp thắc mắc này, ông Lâm Quốc Hùng khẳng định: “Chắc chắn sẽ không có chuyện thêm các dự án để chất tải lên không gian vốn rất chật chội của phố cổ”.

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Vũ Văn Viện bổ sung: “UBND quận đã có cơ chế, chính sách để quản lý, sử dụng quỹ nhà – đất và ngăn ngừa tăng dân số trở lại sau khi giãn dân”. Đầu tiên, quận sẽ xây dựng quy chế, điều lệ quản lý khu phố cổ theo quy hoạch chung. Theo đó, sẽ quản lý chặt chẽ mật độ dân số trong các biển số nhà để tránh tình trạng tăng dân số sau GPMB.

Tiếp đó, quận sẽ lập hồ sơ các hộ còn lại trong khu phố cổ để quản lý. Các hộ dân di dời sau khi nhận căn hộ tại nơi tái định cư mới phải có cam kết chuyển hộ khẩu khỏi nơi cư trú cũ. UBND quận Hoàn Kiếm cam kết kiểm soát chặt chẽ và xử lý theo quy định pháp luật đối với các trường hợp hộ khẩu KT2 đến và đi. Các trường hợp nhận nhà tái định cư nhưng không đến ở mà bán hoặc cho thuê, rồi quay lại nơi ở cũ sẽ bị thu hồi căn hộ và xử lý theo quy định. Nội dung này sẽ được quy định rõ trong hợp đồng mua bán căn hộ giãn dân. “Quận sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế để trả lại hiện trạng ban đầu đối với mọi hành vi tái lấn chiếm dưới mọi hình thức tại các vị trí đã được GPMB” – ông Vũ Văn Viện nhấn mạnh.

 

 


Ý kiến của bạn