Đây là lần thứ hai Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và dự kiến sẽ phát biểu. Năm 2016, Thủ tướng đã đến Nhật Bản thảo luận về các vấn đề về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu và giải quyết những thách thức an ninh quốc tế với Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển.
G7 chia rẽ sâu sắc vì thuế
Chưa cần hội nghị diễn ra nhưng người ta đã chắc chắn rằng hội nghị Thượng đỉnh G7 sẽ chuyển hướng sang thảo luận về các vấn đề thương mại, trong đó không thể tránh khỏi các cuộc tranh cãi nảy lửa về chính sách thuế mới đây của Mỹ. Chưa bao giờ trong lịch sử, trước thềm hội nghị Thượng đỉnh G7 mà các nước chưa thống nhất được nội dung và tuyên bố chung. Ngay cả hội nghị Bộ trưởng tài chính G7 kết thúc cách đây ít ngày cũng không đưa ra được tuyên bố chung.
Chính sách thuế mới của Mỹ đang đẩy Mỹ - EU đến bờ vực của chiến tranh thương mại
Căng thẳng giữa Mỹ và 6 nước còn lại bùng phát khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt thuế nhập khẩu 25% đối với thép và 10% đối với nhôm từ Canada, Liên minh châu Âu (EU) và Mexico vì lý do đảm bảo an ninh quốc gia. Quyết định này ngay lập tức đã nhận được sự phản đối gay gắt của EU, Mexico và Canada, họ tuyên bố sẽ có biện pháp trả đũa nếu Tổng thống Mỹ không thay đổi ý định. Quyết định đánh thuế của Mỹ với EU như “đổ thêm dầu vào lửa” bởi trước đó Mỹ và châu Âu đang chưa tìm ra cách để hóa giải căng thẳng khi Mỹ dọa sẽ trừng phạt các công ty EU có làm ăn với Iran.
Mexico đã có biện pháp đáp trả bằng hành động, Bộ Kinh tế Mexico cho biết, sẽ áp thuế từ 15-25% đối với các sản phẩm thép và một số mặt hàng nông nghiệp của Mỹ. Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo cho biết, Mexico sẽ áp dụng biện pháp thuế quan đáp trả cho đến khi được Chính phủ Mỹ miễn trừ thuế nhập khẩu nhôm và thép. Mexico là nhà nhập khẩu nhôm lớn nhất và nhập khẩu thép lớn thứ hai từ Mỹ. Các biện pháp thuế quan của Mỹ sẽ khiến Mexico thiệt hại khoảng 2 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, Thủ tướng Canada Trudean cho biết, nước này cũng đang lên kế hoạch áp đặt thuế quan tăng 25% đối với lượng hàng hóa giá trị 13 tỷ USD của Mỹ vào Canada từ ngày 1/7.
Mỹ bị cô lập tại G7?
Theo các nhà phân tích, Tổng thống Mỹ D.Trump sẽ phải đối mặt với một sự cô lập và sức ép lớn từ 6 nước còn lại. Có người còn ví đây là hội nghị thượng đỉnh G1 6, nghĩa là Mỹ phải đối mặt với một trận chiến mà một mình Mỹ phải chống chọi với 6 quốc gia, khả năng Mỹ bị cô lập trên bàn đàm phán rất lớn. Các nước này sẽ phải thuyết phục Tổng thống Mỹ thay đổi quan điểm về một loạt vấn đề từ thương mại, đến biến đổi khí hậu hay thỏa thuận hạt nhân Iran…
Đánh thuế vào nhóm thép của EU khiến căng thẳng Mỹ và Eu gia tăng
Từ trước đến nay, hội nghị Thượng đỉnh G7 thường là cơ hội để các nước thành viên tìm tiếng nói chung trong các vấn đề từ thương mại, đến ngoại giao, an ninh. Tuy nhiên lần này, xuất hiện những khoảng cách quá lớn giữa Mỹ và các nước còn lại khó có thể lấp đầy trong ngày một ngày hai. Các nhà đàm phán dự đoán, tình huống xấu nhất có thể xảy ra là sẽ không có một tuyên bố chung nào sau hội nghị, và thậm chí chiến tranh thương mại có thể bắt đầu ngay trong một vài ngày tới.
Chính sách thuế mới của Mỹ đang khiến các đồng minh của Mỹ bắt chặt tay nhau hơn bao giờ hết. Một quan chức cấp cao của EU cho biết, với một nhà lãnh đạo khó lường như Tổng thống Mỹ, không biết điều gì có thể xảy ra tiếp theo và khả năng đạt được một sự thống nhất nào đó là “cực kỳ thấp”. Chính sách thuế của Mỹ đang làm suy yếu niềm tin và làm ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu. Bộ trưởng Tài chính Pháp Le Maire cho rằng, các quốc gia sẽ phải đối diện với nguy cơ mất ổn định kinh tế vì những chính sách từ Mỹ.