Chính sách nào thu hút người làm việc trong lĩnh vực điện hạt nhân?

12-02-2025 16:19 | Xã hội
google news

SKĐS - Theo chuyên gia, ngoài việc thu hút cán bộ trẻ vào làm việc ngành năng lượng nguyên tử với mức lương phù hợp, rất cần chính sách ưu đãi hấp dẫn, sự động viên, khích lệ của các chuyên gia đi trước

Nhà máy điện hạt nhân hoàn thành sẽ đóng góp vào tổng công suất điện thế nào?Nhà máy điện hạt nhân hoàn thành sẽ đóng góp vào tổng công suất điện thế nào?

SKĐS - Dự kiến, hai nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận sẽ có tổng công suất 4 tổ máy 4.800 MW. Xét về công suất điện năng thì đây cũng là một con số không lớn nhưng sự hiện diện của nó nói lên nhiều điều.

Xây dựng cơ chế đặc thù thu hút nhân lực điện hạt nhân

Theo khuyến cáo của Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và một số cơ quan về điện hạt nhân khác, nhu cầu nhân lực cho tổ chức vận hành một nhà máy điện hạt nhân với 2 tổ máy, công suất khoảng 2x1.000 MWe (2.000 MWe) cần khoảng 600 - 1.200 người có trình độ từ trung cấp đến đại học, thuộc các chuyên ngành khác nhau. Yêu cầu về thời gian đào tạo cũng như kinh nghiệm thực tiễn của một số vị trí quan trọng trong nhà máy điện hạt nhân có thể phải từ 5 - 10 năm.

Trong điều kiện Việt Nam, để đảm bảo tiếp nhận chuyển giao công nghệ, vận hành, duy tu, bảo dưỡng nhà máy an toàn, cần khoảng 1.200 người cho các vị trí như: Kiểm soát an toàn và bảo vệ bức xạ, quản lý dự án, quản lý và lãnh đạo nhà máy, vận hành khai thác - điều hành các lò, bảo trì và hỗ trợ kỹ thuật và các dịch vụ khác… Như vậy, trong trường hợp tái triển khai cả 2 dự án nhà máy điện hạt nhân (Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, công suất 2x2.000 MW), nhu cầu nhân lực tương ứng sẽ là 2.400 người.

Chính sách nào thu hút người làm việc trong lĩnh vực điện hạt nhân?- Ảnh 2.

Việt Nam cần 2400 nhân lực để khởi động 2 dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đã rà soát hiện trạng nguồn nhân lực của Bộ phục vụ chương trình điện hạt nhân; từ đó đề xuất xây dựng kế hoạch bổ sung nhân lực, cũng như đào tạo, bồi dưỡng nhân lực quản lý nhà nước, nghiên cứu - khoa học, hỗ trợ khoa học và kỹ thuật phục vụ phát triển điện hạt nhân; dự kiến sẽ trình Thủ tướng ban hành trong quý III/2025.

Bộ đã đề xuất, kiến nghị Chính phủ xem xét việc xây dựng cơ chế đặc thù để thu hút sinh viên theo học các ngành về điện hạt nhân, cũng như chính sách thu hút người làm việc trong lĩnh vực điện hạt nhân tại Bộ Khoa học và Công nghệ nói riêng và các cơ quan nhà nước khác nói chung trong quá trình triển khai xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân.

TS Trần Chí Thành Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết Viện nay đang xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, trong đó đặc biệt tập trung vào nguồn cán bộ trẻ với quy trình đào tạo bài bản, tương đồng với các nước tiên tiến, có ngành năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân phát triển.

Cụ thể, cán bộ trẻ, sau khi được đào tạo trong nước sẽ được lựa chọn để cử đi làm việc tại các cơ sở nghiên cứu năng lượng nguyên tử, hạt nhân hàng đầu tại nước ngoài để tích lũy kinh nghiệm làm việc, tiếp xúc với những kiến thức, công nghệ mới nhất trong ngành, từ đó "thổi" vào họ ngọn lửa đam mê với ngành khó này.

TS Trần Chí Thành cũng cho rằng, ngoài việc thu hút cán bộ trẻ vào làm việc ngành Năng lượng nguyên tử với mức lương phù hợp, rất cần chính sách ưu đãi hấp dẫn, sự động viên, khích lệ của các chuyên gia đi trước. "Với cách này, Việt Nam có khả năng đào tạo được những chuyên gia hàng đầu. Đây là một vấn đề rất lớn, bởi nếu không có những chuyên gia hàng đầu, khó có thể có một chương trình hạt nhân thành công. Bản thân tôi và những chuyên gia trong Viện luôn đau đáu cho câu chuyện này, bởi tôi biết đây là chìa khóa thành công của ngành", TS Trần Chí Thành chia sẻ.

Đào tạo nhân lực chất lượng cao không thể vội vàng

GS.TS Nguyễn Quang Hưng, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Cơ bản và Ứng dụng, Đại học Duy Tân cho rằng, đào tạo điện hạt nhân phải hết sức thận trọng, không thể vội vàng, chất lượng cần được quan tâm hàng đầu, không thể vì nhu cầu cấp bách mà đào tạo cấp tốc cho đủ số lượng mà không quan tâm tới chất lượng.

GS Nguyễn Quang Hưng đề xuất 2 hướng đào tạo cần được triển khai song song, đó là cử đi đào tạo ở nước ngoài kết hợp đào tạo trong nước.

Trong đó, theo hướng cử đi đào tạo ở nước ngoài, cần thành lập các ban tuyển chọn để tìm kiếm các sinh viên giỏi cử đi đào tạo với cam kết sẽ trở về làm việc tại nhà máy điện hạt nhân trong nước. Cũng nên tập hợp lại lực lượng hơn 400 sinh viên, cán bộ đã được cử đi đào tạo trong giai đoạn trước và đánh giá lại liệu có thể sử dụng được họ hay phải tiếp tục cử đi đào tạo.

Với hướng đào tạo trong nước, cần quan tâm trước hết tới đội ngũ những người thầy. Cần lựa chọn những người thầy có trình độ cao, có tâm huyết với ngành và có những chính sách ưu đãi thật tốt cho họ yên tâm công tác. Tiếp đến cần đầu tư các hệ thống phòng thực hành, phòng thí nghiệm tiên tiến. Đồng thời tập trung tìm kiếm đội ngũ các sinh viên giỏi theo học ngành này và cấp học bổng toàn phần cho họ.

Ngoài ra, trong giáo dục đại học, điểm chuẩn xét tuyển vào ngành học này cần phải ở mức cao, đồng thời sinh viên phải qua vòng phỏng vấn trực tiếp để đánh giá về tư cách, đạo đức (rất quan trọng khi làm việc trong các nhà máy điện hạt nhân sau này). Trước tiên, cần xây dựng các chương trình đào tạo đa dạng từ bậc đại học đến sau đại học, bao gồm các chuyên ngành liên quan đến điện hạt nhân, an toàn hạt nhân và quản lý rủi ro.

PGS.TS Đinh Văn Châu, Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực - 1 trong 5 cơ sở giáo dục đại học được lựa chọn đào tạo nguồn nhân lực cho ngành điện hạt nhân nhận định điện hạt nhân là một lĩnh vực yêu cầu trình độ khoa học kỹ thuật cao. Ngành này đòi hỏi đội ngũ nhân lực chất lượng ở tất cả các khâu từ thiết kế, công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng đến vận hành và quản lý các quy định pháp lý hạt nhân. Nguồn nhân lực không chỉ là yếu tố then chốt quyết định thành công của dự án mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an toàn và hiệu quả trong quá trình vận hành lâu dài.

Theo PGS.TS Đinh Văn Châu, đặc thù ngành đòi hỏi một lượng lớn nhân lực có trình độ chuyên môn cao và trải rộng trên nhiều lĩnh vực của khoa học hạt nhân - nguyên tử. Do đó, Nhà nước cần ban hành chiến lược phát triển khoa học hạt nhân - nguyên tử trong đó có điện hạt nhân và an toàn để làm cơ sở tiền đề cho chiến lược phát triển khoa học, đào tạo liên quan.

Khi dự án điện hạt nhân được khởi động lại, cần tận dụng đội ngũ nhân lực đã được đào tạo trước đó. Bên cạnh đó, cần xây dựng các kế hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực mới trong lĩnh vực điện hạt nhân và an toàn bức xạ, đồng thời triển khai các chính sách hỗ trợ tài chính, cấp học bổng cho sinh viên và cán bộ đi đào tạo.

Làm chủ công nghệ điện hạt nhân là mấu chốt phát triển năng lượng bền vữngLàm chủ công nghệ điện hạt nhân là mấu chốt phát triển năng lượng bền vững

SKĐS - Điện hạt nhân phát triển trước hết dựa trên nền tảng khoa học hạt nhân, đồng thời có tính liên ngành cao. Để làm chủ công nghệ, phải có đội ngũ nhân lực đáp ứng được yêu cầu trình độ đảm bảo vận hành an toàn.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Sáng 12/2: Lời khai gây sốc của kẻ bắn thanh niên tử vong tại phòng ngủ: “Bắn chim nhưng đạn lạc”


Tô Hội
Ý kiến của bạn