Đây thật ra là cuộc trưng cầu dân ý về chính sách kinh tế gọi là “Abenomics” của Thủ tướng Shinzo Abe và đảng của ông, đảng Tự do Dân chủ PLD sẽ thắng lớn vì phe đối lập không còn hơi sức. Nhật Bản đã rơi vào suy thoái nhưng “chiếc xe ủi” này vẫn lao về phía trước. Ông Shinzo Abe đã khoác áo nhà hùng biện chinh phục cử tri. Kinh tế Nhật đã suy giảm 1,9%, nhưng đối với chàng hiệp sĩ “Samurai” Abe thì không có chuyện đổi hướng, ông phớt lờ chỉ trích của các nhà kinh tế để chọn phương thức “tấn công”. Phân tích của giáo sư Đại học Keio, Yorizumi Watanabe: “Cải tổ của ông Shinzo Abe đã không mang lại kết quả, ông cần có thêm thời gian”. Tính toán của ông Abe cũng không phải quá phiêu lưu vì ông nắm chắc phần thắng. Theo các kết quả thăm dò dư luận, đảng PLD có thể giành được đến 2/3 ghế ở Hạ viện. Trong trường hợp thắng lớn thì ông Abe có thể rảnh tay đến năm 2018: Bốn năm để tu chính hiến pháp chủ hòa, tạo thêm thế mạnh cho quân đội Nhật, thực hiện cải tổ cơ cấu, vế thứ 3 của chính sách Abenomics của ông. Một cố vấn của ông Abe đã khẳng định là cần 3 năm để thấy hiệu quả. Nhưng giới kinh tế thì vẫn hoài nghi, thận trọng trước hiện tượng “lửa rơm”, vì chính quyền không muốn nhìn vào những vấn đề cơ bản, như việc cần lao động nhập cư chẳng hạn trong khi dân Nhật già đi. Abenomics đối với họ chỉ là một loại thuốc gây tê tạm thời.
Tuy nhiên, ông Abe đã biến cuộc bầu lại Quốc hội trước thời hạn thành một cuộc trưng cầu dân ý về Abenomics: Cuộc vận động tập trung trên kinh tế, tránh né những vấn đề gây tranh cãi như diễn giải lại hiến pháp, việc khởi động lại các lò phản ứng hạt nhân, chính sách quốc phòng hay việc bảo vệ bí mật quốc gia. Những chủ đề bị phớt lờ đi này có thể sẽ trở lại ngay trên sân khấu sau cuộc bỏ phiếu. Thắng lợi dự kiến sẽ phục hồi uy tín của Thủ tướng, ông sẽ sử dụng uy tín mới này cho những chủ đề mà ông rất thiết tha như quốc phòng và hiến pháp.
Kết quả thăm dò dư luận đối với các ứng cử viên tranh cử ghế Hạ viện do tờ Mainichi công bố ngày 15/12 cho thấy, đa phần các ứng viên nghị sĩ Nhật Bản ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp vốn vẫn được xem là điều hết sức nhạy cảm đối với cử tri và người dân nước này. Theo kết quả công bố, có tới 83% ứng cử viên Hạ viện cho rằng cần phải sửa đổi Hiến pháp Nhật Bản, 2/3 trong số này ủng hộ việc sửa đổi Điều 9 vốn được xem là nền tảng duy trì hòa bình và quyền hòa bình của Nhật Bản kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2. Sau cuộc bầu cử Hạ viện hôm 14/12 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bày tỏ quan điểm về việc muốn thực hiện sửa đổi Hiến pháp, và kết quả thăm dò dư luận đối với các nghị sĩ lần này cho thấy tiến trình thảo luận sửa đổi Hiến pháp trong Quốc hội Nhật Bản sẽ sớm được triển khai.
Cũng theo kết quả thăm dò trên, đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Thủ tướng Abe và đảng Duy Tân có số ý kiến tán thành sửa đổi Hiến pháp nhiều nhất, với khoảng 95%; đảng Công Minh có tỷ lệ tán thành là 76%; trong khi đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) đối lập chính có tỷ lệ ủng hộ là 59% so với tỷ lệ phản đối là 27%.
Đối với Điều 9 trong Hiến pháp, tỷ lệ ủng hộ sửa đổi tuy có sự sụt giảm nhẹ so với thời điểm bầu cử Hạ viện năm 2012 ở mức 72%, song vẫn phản ánh nhu cầu muốn tiến hành sửa đổi của các đảng phái và nghị sĩ Nhật Bản. LDP có tỷ lệ tán thành sửa đổi Điều 9 là 83%, trong khi tỷ lệ phản đối là 4%. Đảng Duy Tân tỷ lệ tán thành và phản đối là 43% và 35%, trong khi đảng Công Minh có tỷ lệ phản đối cao là 70% so với mức ủng hộ là 9%. DPJ có tỷ lệ phản đối là 67% trong khi đảng Cộng sản phản đối 100% việc sửa đổi điều khoản này trong Hiến pháp.
Trong cuộc bầu cử vừa qua, có 468 ứng cử viên trả lời đã giành được ghế trong tổng số 475 ghế trong cuộc bầu cử này.
(Theo Kyodo, Le Figaro)
Hoàng Long