Dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số là vấn đề cấp bách
PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, các chính sách dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em hiện nay khá đầy đủ, vấn đề cải thiện dinh dưỡng và sức khỏe con người luôn được quan tâm hàng đầu. Trong Văn kiện Đại hội Đảng, các chính sách về luật, thông tư hướng dẫn thi hành… cều có các chỉ tiêu và giải pháp cải thiện dinh dưỡng đặc biệt cho bà mẹ và trẻ em. Sự đồng bộ trong các chính sách về dinh dưỡng là đã có. Từ các chính sách này mới có cơ sở để triển khai các hoạt động can thiệp về chuyên môn, kỹ thuật để phục vụ trực tiếp nhu cầu người dân để cải thiện dinh dưỡng.
TS Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế cho biết, các chính sách về dinh dưỡng được ban hành khá đầy đủ, Bộ Y tế cũng đã xây dựng các hướng dẫn chuyên môn, đưa ra các mức khuyến cáo về phòng chống suy dinh dưỡng với người dân Việt Nam, các can thiệp chuyên môn do Viện Dinh dưỡng Quốc gia xây dựng và ban hành giúp cải thiện tình trạng dinh dưỡng.
Những năm qua, đội ngũ cán bộ y tế làm công tác dinh dưỡng cũng rất nỗ lực và có trách nhiệm để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em để hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ. Chính sách được ban hành tương đối đầy đủ, vấn đề thực thi thế nào cho hiệu quả để giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em là vấn đề cần bàn.
Nhu cầu cải thiện dinh dưỡng cho người dân rất lớn trong khi các nguồn lực có hạn, ước tính mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu thực tế, đặc biệt ở đối tượng phụ nữ có thai và trẻ em dưới 5 tuổi.
PGS.TS Trương Tuyết Mai cho biết, các chính sách của Việt Nam rất đầy đủ nhưng chưa thể đáp ứng được đầy đủ so với nhu cầu thực tế. Một số điểm tích cực cải thiện dinh dưỡng có thể kể đến hệ thống chính sách của ngành y tế, các văn kiện đại hội Đảng, nghị quyết của Quốc hội, trong các luật như luật trẻ em, luật lao động… đều có ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em.
Một số chính sách dinh dưỡng đặc thù như Nghị định 09 về nhóm tang cường vi chất và thực phẩm, các chính sách nuôi con bằng sữa mẹ, chính sách phòng ngừa suy dinh dưỡng cấp tính… Các ban ngành khác cũng có sự phối hợp chặt chẽ để xây dựng mục tiêu cải thiện dinh dưỡng cho người dân. Ví dụ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có các chính sách nông nghiệp, chương trình không còn nạn đói, chính sách an ninh thực phẩm, xây dựng hành động quốc gia hệ thống thực phẩm bền vững, ưu tiên cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em vùng khó khăn; chính sách bữa ăn học đường của Bộ Giáo dục và Đào tạo…đang đem lại kết quả rõ rệt để cải thiện dinh dưỡng trẻ em.
Theo TS Trần Đăng Khoa, chính sách dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em đã được quan tâm xây dựng nhưng khi thực thi còn gặp khó khăn do nguồn lực hạn chế. Có những quy định ban hành nhưng lại thiếu kinh phí để thực hiện, rồi khi thực hiện lại chưa thể đánh giá hiệu quả như thế nào, huy động đội ngũ cán bộ thực thi chính sách ra sao.
PGS.TS Trương Tuyết Mai cho rằng vấn đề dinh dưỡng bà mẹ trẻ em vùng là vấn đề cấp bách. Cứ 10 năm 1 lần, Viện Dinh dưỡng Quốc gia lại thực hiện tổng điều tra về dinh dưỡng. Kết quả tổng điều tra là cơ sở để xây dựng chính sách dinh dưỡng cho giai đoạn tiếp theo. Kết quả này là bằng chứng khoa học để xây dựng chiến lược dinh dưỡng của từng giai đoạn, để chính sách đi vào thực tiễn.
Trong chiến lược dinh dưỡng quốc gia 2021-2030 và trong các cuộc điều tra dinh dưỡng cho thấy, mục tiêu đảm bảo an ninh dinh dưỡng và bữa ăn hợp lý cho người dân là mục tiêu số 1. Giảm thiểu suy dinh dưỡng, phòng chống béo phì cuối cùng là giải quyết dinh dưỡng khẩn cấp, phòng chống suy dinh dưỡng trước, trong và sau thiên tai.
Bà mẹ và trẻ em thiếu vi chất dinh dưỡng phải xem là đối tượng yếu thế cần chính sách ưu tiên đặc biệt. Tỉ lệ suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em vùng sâu vùng xa còn rất cao, do vậy để khắc phục thì phải đưa vào các chính sách cụ thể như bảo hiểm xã hội. Ngoài ra tình trạng trẻ em bị ảnh hưởng bởi thức ăn nhanh, thức ăn không lành mạnh… cũng khá phổ biến. Chính sách sắp tới phải phòng ngừa, bằng cách xây dựng thông tư nghị định để hạn chế tiếp xúc với nhóm thực phẩm này. Ví dụ thông tư quy định ghi nhãn dinh dưỡng và thực phẩm có thể triển khai ngay để bảo vệ trẻ em sớm nhất và tốt nhất. Chính sách giảm tiêu thụ đường, muối, những thứ bất lợi cho trẻ em cũng cần được quan tâm.
Giai đoạn hiện nay, Quốc hội và chính phủ rất quan tâm phát triển vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số, đã cấp ngân sách để thực thi chính sách cải thiện dinh dưỡng. Có nguồn kinh phí để can thiệp chuyên môn cải thiện dinh dưỡng phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ và trẻ em. Bên cạnh đó là sự huy động của các tổ chức trong và ngoài nước, cấp ngân sách để cơ bản cải thiện nhiệm vụ nâng cao thể trạng, tầm vóc cho con người Việt Nam và cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng cũng được thực hiện liên tục và sâu rộng.
Cần bổ sung nhân lực để hiện thực hóa chính sách
Theo PGS.TS Trương Tuyết Mai, trong điều kiện kinh tế chung của đất nước hiện nay cần huy động nguồn lực từ hợp tác quốc tế, xã hội hóa từ doanh nghiệp đến người dân. Ngoài ra phải có giải pháp căn cơ đảm bảo nguồn nhân lực để thực thi vì mới đảm bảo công bằng trong phân bổ nguồn nhân lực. Có thể đưa các nội dung hỗ trợ này vào các chính sách bảo trợ như bảo hiểm y tế để hỗ trợ cho trẻ em, trẻ suy dinh dưỡng, cần nhiều hỗ trợ, văn bản có tính bền vững cao hơn
Về nhân sự, để các cán bộ dinh dưỡng yêu nghề và tâm huyết hơn, cống hiến hơn, họ cần có sự quan tâm đặc thù để giúp họ ngày đêm sát cánh cùng những trẻ suy dinh dưỡng và các bà mẹ cần trợ giúp.
TS Trần Đăng Khoa cho rằng nhiệm vụ phòng chống suy dinh dưỡng không chỉ ngành y tế làm được mà là nhiệm vụ của toàn xã hội. Tất cả các quyết định, văn bản chính phủ ban hành đều quy định rõ vai trò nhiệm vụ các bộ ngành. Ở cấp Trung ương cần có sự phối hợp chặt chẽ trong giao nhiệm vụ. Địa phương cũng quy định rõ trách nhiệm củaủy ban nhân dân tỉnh, huyện, xã.
Thực tế khi triển khai chính sách ở tuyến dưới do thiếu nhân lực, nhiều vùng thiếu sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền nên các nhiệm vụ chỉ tiêu chưa đạt được. Chúng tôi đã khuyến cáo đưa các chỉ tiêu về giảm suy dinh dưỡng vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của huyện, tỉnh để có sự phối hợp các nguồn lực
Mong rằng giai đoạn tới sự vào cuộc, tham gia, vai trò trách nhiệm của các cấp ngành xã hội sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn, để cải thiện suy dinh đưỡng cho người Việt Nam. Từng người dân, hộ gia đình cũng ý thức được trách nhiệm và thực hành và cải thiện dinh dưỡng của mình.
Ttruyền thông trực tiếp để tư vấn từng đối tượng với người dân, phụ nữ có thai, cha mẹ nuôi con nhỏ để thấy được ý thức, tầm quan trọng và thực hành dinh dưỡng đúng cách. Ngoài ra, vùng dân tộc thiểu số là vùng đặc biệt ưu tiên quan tâm vấn đề truyền thông. Các địa phương các cấp chính quyền cần tích cực truyền thông vận động xã hội để người dân thực hiện tốt, cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng co phụ nữ có thai và trẻ em.
PGS.TS Trương Tuyết Mai cho rằng, để một người mẹ nhận thức được vấn đề, từ đó thay đổi được hành vi và thực hành đòi hỏi cả quá trình. Vì vậy truyền thông như thế nào là câu chuyện khó. Việc tư vấn trực tiếp, làm đi làm lại sẽ ngấm dần, thay đổi nhận thức sẽ thay đổi hành vi, tạo môi trường thuận lợi cho bà mẹ thực hiện.
Ngoài ra, hiện ta bỏ sót một đối tượng khá quan trọng là nữ vị thành niên. Đây là vấn đề quan trọng. Nhận thức của nữ vị thành niên tiền hôn nhân và mang thai rất quan trọng, thay đổi nhận thức phải bằng hành động mới có những người làm mẹ có kỹ năng tốt, từ đó đảm bảo dinh dưỡng từ trong bào thai. Ngoài ra tư vấn cho bà mẹ trong quá trình mang thai, nuôi dưỡng, trẻ đến trường, bữa ăn học đường, gia đình… cũng cần tập trung trong thời gian tới.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bộ Y tế cảnh báo dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát vào tháng 11,12 | SKĐS