Hà Nội

Chính sách chưa từng có tiền lệ từ ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp vượt đại dịch COVID-19

19-09-2021 09:18 | Thị trường
google news

SKĐS - Hơn một năm qua, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp thiết thực, chưa từng có tiền lệ nhằm trợ khách hàng bị thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra.

Trong thời gian qua, với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp, người dân, ngành Ngân hàng đã kịp thời có những chính sách và vào cuộc tích cực để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. 

Các ngân hàng thương mại (NHTM) tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ 4.0, cung ứng nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, tiện ích, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ ngân hàng.

Chính sách chưa từng có tiền lệ từ ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp vượt đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Khách hàng giao dịch tại Hội sở chính Vietcombank, Hà Nội. Ảnh minh họa


Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, hoãn, giãn nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Ngay từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, những ngày đầu năm 2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động, tích cực ban hành văn bản yêu cầu các chi nhánh, tổ chức tín dụng (NHNN) xem xét hoãn, giãn nợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch. Điển hình là Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 (Thông tư 01). Đây được coi là cơ sở pháp lý quan trọng giúp các TCTD triển khai giải pháp hỗ trợ kịp thời khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đến tháng 5/2021, NHNN ban hành Thông tư 03 sửa đổi Thông tư 01 với những quy định mới có nhiều tác động tích cực đối với doanh nghiệp. Việc bổ sung thêm các điều kiện để cho phép tái cơ cấu các khoản nợ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn sản xuất, khi các khoản vay được xếp vào diện được cơ cấu sẽ được gia hạn về thời gian trả nợ, làm giảm bớt áp lực chi phí tài chính lên doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi sản xuất sau dịch COVID-19. 

Còn đối với NHTM, việc giãn bớt lộ trình trích lập dự phòng, kỳ vọng chi phí dự phòng của các ngân hàng sẽ không tăng quá mạnh trong năm 2021, từ đó giúp các NHTM có dư địa cho thu nhập giữ lại để hỗ trợ tăng cường an toàn vốn, và thúc đẩy cho vay phục vụ kinh doanh sản xuất.

Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, khi điều chỉnh chính sách này, NHNN muốn tính đến câu chuyện dài hơi hơn, không chỉ giảm bớt khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp trong thời điểm giãn cách mà cả khi kết thúc giãn cách, doanh nghiệp có điều kiện để nhanh chóng phục hồi cùng với nền kinh tế. Đồng thời, chính sách ban hành sẽ phải phù hợp, đảm bảo hài hoà lợi ích, chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng cũng không để cho các NHTM bị giảm sút năng lực tài chính. Từ đó, không ảnh hưởng đến sự ổn định của từng TCTD cũng như hệ thống ngân hàng trong tương lai cả ngắn hạn và trung hạn.

Giảm chi phí vốn vay, miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán, hỗ trợ phục hồi kinh tế

Chính sách chưa từng có tiền lệ từ ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp vượt đại dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Các ngân hàng đang đẩy mạnh tái cơ cấu dịch vụ gắn với xử lý nợ xấu để gia tăng lợi nhuận và hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.


Trong năm 2020, NHNN đã có 3 lần giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành với quy mô lớn 1,5-2,0%/năm. Những tháng đầu năm 2021, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.

Hưởng ứng lời kêu gọi từ NHNN, các NHTM đã giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021. Mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 1%/năm trong năm 2020 và xu hướng giảm lãi suất này vẫn tiếp tục trong 6 tháng tháng đầu năm 2021 với mức giảm khoảng 0,4%/năm so với tháng 12/2020. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm. Tháng 7/2021, tại cuộc họp của Hiệp hội Ngân hàng với 16 NHTM hội viên, các NHTM đã đồng thuận tiếp tục giảm lãi suất đến hết năm 2021.

Chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp lao đao, buộc phải cắt giảm chi phí, nhân lực, hoặc giải thể, ngừng hoạt động, người lao động phải nghỉ việc rơi vào cảnh bần cùng. Trong bối cảnh đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã tái cấp vốn cho NHCSXH để ngân hàng này cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc đối với người lao động. Từ khi hoàn thiện cơ chế của khoản tái cấp vốn 7.500 tỷ đồng lãi suất 0% cho NHCSXH để làm nguồn vốn cho vay, đến nay, NHCSXH đã giải ngân khá tích cực được khoảng gần 150 tỷ đồng.

Với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, sự quyết liệt của NHNN, các TCTD đã vào cuộc tích cực, bằng nhiều giải pháp thiết thực, kịp thời, giống như "máy trợ thở" giúp người dân, doanh nghiệp dần vượt qua "cơn bĩ cực" do tác động tiêu cực của dịch bệnh. 

Thời gian tới, dự báo tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều thách thức, do đó, bên cạnh sự chủ động, quyết liệt của ngành Ngân hàng, thì những chính sách vĩ mô khác như đầu tư công, chính sách thuế, phí, thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng thị trường, ứng dụng công nghệ và chính sách an sinh xã hội… cùng sự nỗ lực, đổi mới của doanh nghiệp hi vọng sẽ cùng góp phần đưa nền kinh tế trụ vững và dần phục hồi trở lại.

*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.


Kim Ngân
Ý kiến của bạn