Chính sách cấp phát báo miễn phí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi - Phải lấy người dân làm chủ thể, làm động lực

11-01-2022 19:25 | Xã hội
google news

SKĐS - Ủy ban Dân tộc (UBDT) vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Quyết định 45/QĐ-TTg ngày 9/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ về "Cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn".

Sáng ngày 11/01, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc (UBDT) tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Quyết định 45/QĐ-TTg ngày 9/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ về "Cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn" giai đoạn 2019 - 2021 và phương hướng triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2022 - 2025.

Đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT; đồng chí Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT và đồng chí Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đồng chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo các vụ, đơn vị của UBDT; đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương; Văn phòng Chính phủ; Bộ Tài chính; lãnh đạo các cơ quan báo, tạp chí thực hiện Quyết định số 45/QĐ-TTg; lãnh đạo và cán bộ cơ quan làm công tác dân tộc tại 49 điểm cầu các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong cả nước.

Chính sách cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn Cung cấp những gì người dân cần, lấy đồng bào dân tộc thiểu số làm chủ thể - Ảnh 1.

Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn đồng chủ trì Hội nghị

Cấp phát báo miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số - chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước

Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số với 14,119 triệu người, chiếm khoảng 14,68% dân số cả nước. Hầu hết các dân tộc thiểu số sinh sống ở miền núi cao, biên giới, vùng sâu, vùng xa.

Trong những năm qua, kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có những chuyển biến tích cực. Đời sống vật chất của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Tuy nhiên, vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là địa bàn khó khăn nhất của cả nước.

Chủ trương cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí không thu tiền cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2019 - 2021 là chủ trương, chính sách hoàn toàn đúng đắn của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo và nâng cao dân trí cho đồng bào.

Theo báo cáo của UBDT, thực hiện Quyết định số 45/QĐ-TTg giai đoạn 2019 - 2021, 19 cơ quan báo, tạp chí tham gia đã bám sát tôn chỉ mục đích và định hướng tuyên truyền; thường xuyên cập nhật, đổi mới nội dung và hình thức truyền tải thông tin; chú trọng nâng cao chất lượng tin, bài, ảnh, phản ánh trung thực mọi mặt đời sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới; hình thức trình bày đẹp, rõ ràng, cơ bản phù hợp với tập quán, tâm lý, bản sắc văn hóa của đồng bào…

Các ấn phẩm báo, tạp chí thực hiện Quyết định số 45/QĐ-TTg thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao; góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là việc thực hiện tốt các chính sách dân tộc. Các chuyên mục, tin, bài, ảnh phong phú, lôi cuốn người đọc, giúp cho đồng bào có nhiều thay đổi nhận thức về kỹ thuật lao động sản xuất, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khoẻ, dần xóa bỏ hủ tục, thực hiện nếp sống văn minh, chủ động vươn lên xóa đói giảm nghèo, đóng góp cho sự phát triển của địa phương.

Bên cạnh những hiệu quả rõ nét trong công tác tuyên truyền, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Đồng bào được hưởng thụ chính sách chủ yếu sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng giao thông còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng thiết yếu còn nhiều hạn chế, nên việc cấp, phát báo, tạp chí có lúc còn chậm, nhất là khi mưa lũ, thiên tai bất thường.

Nội dung tin, bài một số ấn phẩm đôi khi còn chưa cân đối theo vùng miền và các lĩnh vực; một số tin, bài... chưa phù hợp với trình độ nhận thức, tâm lý và nguyện vọng của đồng bào.

Công tác phối hợp trong việc thực hiện giữa các cơ quan Trung ương và địa phương chưa thật chặt chẽ. Một số địa phương, đặc biệt là cấp xã, thôn chưa thực hiện tốt việc quản lý ấn phẩm; công tác kiểm tra giám sát chưa thường xuyên…

Chính sách cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn Cung cấp những gì người dân cần, lấy đồng bào dân tộc thiểu số làm chủ thể - Ảnh 3.

Bà Hoàng Thị Lề, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền (UBDT) trình bày Báo cáo Tổng kết thực hiện Quyết định số 45/QĐ-TTg

Đề xuất nhiều giải pháp hiệu quả công tác tuyên truyền trong giai đoạn mới

Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản đồng tình với kết quả đánh giá của báo cáo tổng kết thực hiện Quyết định số 45/QĐ - TTg. Lãnh đạo Ban Dân tộc các tỉnh đã có nhiều ý kiến nhấn mạnh vai trò và hiệu quả tuyên truyền của các ấn phẩm báo chí cấp cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian qua. Đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả chính sách này trong thời gian tới.

Các địa phương cũng đề nghị nên bổ sung đối tượng được thụ hưởng chính sách là cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh, huyện, xã; đề nghị có giải pháp khắc phục tình trạng một số nơi còn cấp phát báo chậm; tiếp tục nâng cao chất lượng các ấn phẩm phù hợp, gần gũi hơn với đồng bào…

Đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí thực hiện Quyết định số 45/QĐ - TTg cũng tích cực trao đổi, thảo luận, đưa ra nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền phục vụ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian tới.

Phát biểu thảo luận tại hội nghị, bà Trần Yến Châu, Phó Tổng Biên tập báo Sức khỏe&Đời sống cho biết, với vai trò là cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế, Diễn đàn vì sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân, Báo Sức khỏe&Đời sống cập nhật nhanh chóng, kịp thời những thông tin y học chính thống, chuẩn xác, khoa học thường thức để người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao kiến thức, biết cách chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. Đặc biệt, báo đã phổ biến các hướng dẫn phòng dịch bệnh trong đó có dịch COVID-19 bằng các thứ tiếng dân tộc thiểu số như Tày, Mông, Khmer… để đồng bào tiếp cận thông tin dễ nhất và hiệu quả nhất. Báo Sức khoẻ&Đời sống chủ động tăng cường kết hợp tuyên truyền thông tin về chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, Ủy ban Dân tộc, các biện pháp chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số trên báo điện tử. Đồng thời đề xuất nên có sự kết nối, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị báo chí và lãnh đạo Ban dân tộc các địa phương để kịp thời cập nhật thông tin, tình hình thực tiễn, nắm bắt nhu cầu của đồng bào để có định hướng tuyên truyền phù hợp, hiệu quả…

Đại diện các cơ quan báo chí khẳng định tiếp tục cao chất lượng nội dung và hình thức ấn phẩm cho đồng bào và đề xuất có thể kết hợp thêm hình thức truyền tải thông tin ngoài báo in như báo điện tử để bắt kịp xu hướng phát triển của xã hội, phục vụ một số đối tượng thụ hưởng có điều kiện tiếp cận công nghệ như UBND các xã, đồn biên phòng, người có uy tín… để nhanh chóng cập nhật và phổ biến thông tin đến đồng bào.

Chính sách cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn Cung cấp những gì người dân cần, lấy đồng bào dân tộc thiểu số làm chủ thể - Ảnh 4.

Bà Trần Yến Châu, Phó Tổng Biên tập báo Sức khỏe&Đời sống phát biểu thảo luận tại hội nghị.

Chính sách phải lấy người dân làm chủ thể, làm động lực

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT khẳng định: Quyết định 45/QĐ-TTg là một trong số rất nhiều chính sách thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước tới đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là chính sách đặc thù, góp phần truyền tải chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn để bà con học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

Trong 2 năm qua, đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới, thông qua báo chí, bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã nắm được chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước và thực hiện rất nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Đồng bào đã tiếp nhận thông tin và thay đổi hành vi. Đây chính là hiệu quả tuyên truyền của báo chí.

"Báo chí thực hiện Quyết định 45 đã góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền làm thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi của bà con. Từ đó giúp bà con vươn lên, học tập lẫn nhau, tin Đảng, tin Chính phủ, cùng nhau xây đắp cuộc sống tốt đẹp ở chính bản làng của mình. Đó chính là giá trị vô hình không thể đo đếm được…". Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Hầu A Lềnh, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, có lúc, có nơi thực hiện còn chưa được như mong muốn, cần rút kinh nghiệm trong tổ chức thông tin, phát hành, cấp phát báo đến với đồng bào…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn, cách trở, vì vậy báo in vẫn là thế mạnh. Vấn đề là chúng ta cần sử dụng như thế nào để có hiệu quả đối với người dân. Phải nâng cao chất lượng, thay đổi hình thức, cung cấp những vấn đề mà người dân cần nhưng phải phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ để phục vụ nhân dân. Chính sách này phải lấy người dân làm chủ thể, làm động lực, phục vụ nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Báo Sức khoẻ &Đời sống là cẩm nang chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số

Là một trong 19 tờ báo, tạp chí thực hiện Quyết định 45-QĐ/TTg, Chuyên đề Dân tộc thiểu số và miền núi của báo Sức khoẻ &Đời sống chú trọng tuyên truyền đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của Uỷ ban Dân tộc về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, phổ biến, hướng dẫn cách phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào, góp phần nâng cao dân trí, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Trong nhiều năm qua, Chuyên đề Dân tộc thiểu số và Miền núi của Báo Sức khỏe và Đời sống đã trở thành một cẩm nang chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đặc biệt, trong hơn 2 năm qua, Báo Sức khỏe và Đời sống tích cực đăng tải hàng chục nghìn tin bài về dịch bệnh COVID-19 trên nhiều ấn phẩm của báo, trong đó đăng tải thường xuyên các thông tin cung cấp cho đồng bào dân tộc thiểu số những thông tin về dịch bệnh, kiến thức cơ bản trong phòng chống dịch COVID-19. Bên cạnh các bài viết chuyên môn và những khuyến cáo của Bộ Y tế, Chuyên đề đăng tải kịp thời thông tin chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng dịch COVID-19, Uỷ ban Dân tộc, Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch COVID-19. Nhiều phóng viên của báo đã trực tiếp lăn xả vào vùng dịch trong các đợt cao điểm bùng phát để cung cấp thông tin cho bạn đọc.

Với những thành tích đạt được, Báo đã vinh dự được nhận nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Uỷ ban Dân tộc, của Bộ Y tế trong công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh COVID -19.

Trong thời gian tới, Báo Sức khoẻ &Đời sống tiếp tục nâng cao chất lượng nội dung và hình thức Chuyên đề Dân tộc thiểu số và miền núi, chủ động kết hợp truyền tải thông tin phục vụ vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên báo điện tử để phục vụ đồng bào nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Dân tộc thực hiện các chính sách chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số dịp Tết Nguyên đán Nhâm DầnThủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Dân tộc thực hiện các chính sách chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần

SKĐS - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký ban hành Chỉ thị số 35/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Xem thêm video đang được quan tâm

Bộ Y Tế Đề Nghị Các Địa Phương Không Bắn Pháo Hoa Dịp Tết Nguyên Đán 2022 | SKĐS


Thanh Hoàn
Ý kiến của bạn