Chặn xe thu tiền
Thời gian qua, nhiều DN, cá nhân phản ánh mua bán cây keo tại địa bàn huyện Hương Khê về việc xe chở keo của họ bị công an xã Lộc Yên chặn lại thu tiền mới cho lưu thông qua địa bàn.
Bà Nguyễn Thị Bế (Bố Trạch, Quảng Bình) bức xúc, hơn 1 tuần nay bà tiến hành thu mua keo tại địa bàn xã Hương Giang, tuy nhiên khi xe chở keo đi qua xã Lộc Yên thì bị công an xã chặn xe, thu tiền bằng biên lai.
Theo “quy định” được lãnh đạo xã Lộc Yên đặt ra, mỗi xe chở keo khi lưu thông trên tỉnh lộ 17, khi đi qua địa bàn xã (7km) thì phải “nộp” 150.000 đồng, bằng cách lái xe xuống mua 3 phiếu (mỗi phiếu 50.000đ) do UBND xã Lộc Yên tự in.
“Có một nhóm công an viên luôn chờ sẵn tại ngã ba đầu xã. Khi xe ra đến thì họ đến chặn xe lại và bảo lái xe phải nộp tiền đường, cầu bằng cách mua 3 phiếu thu trị giá 150.000đ. Nếu không nộp thì công an xã không cho xe đi tiếp”, bà Bế kể.
Do diện tích thu mua khá lớn nên mỗi ngày bà Bế phải điều 4 xe tải vào chở. Số tiền nộp cho công an xã là 600.000đ/ngày.
Bà Bế chỉ là 1 trong rất nhiều cá nhân đang tiến hành thu mua keo tại xã Hương Giang và Lộc Yên. Tất cả xe chở keo khi đi qua địa bàn xã Lộc Yên thì đều phải nộp thứ lộ phí kỳ lạ này.
“Xã Lộc Yên lập chốt chặn thu tiền diễn ra từ nhiều năm nay. Có những thời điểm có hàng chục đến hàng trăm xe chở keo cả đêm cả ngày, số tiền mà xã Lộc Yên thu về rất lớn.
Không chỉ dân ngoại tỉnh, mà người tại thị trấn Hương Khê cũng phải nộp mới đi được. Như trường hợp ông Cầu đã phải nộp trên trăm triệu đồng từ mấy năm nay”, một chủ hộ trồng keo cho biết.
Ông Trần Phát Đạt, chủ tịch Hội doanh nghiệp Hương Khê bức xúc: Không thể có thứ “lộ phí” vô lý như vậy được. Một chuyến xe keo từ khi ra khỏi rừng đến khu vực Vũng Áng, nếu xã nào cũng lập chốt chặn thu tiền như vậy thì DN sao sống nổi?
Biết sai vẫn thu phí!
Ông Trần Đình Lâm, Chủ tịch UBND xã Lộc Yên thừa nhận với PV về việc xã có lập tổ công tác gồm 3 công an viên để vừa đảm bảo an ninh trật tự, vừa để thu tiền xe.
Theo ông Lâm, việc thu tiền đầu xe 150.000đ là do UBND xã đề ra trong các kỳ họp, nằm trong nội dung thu ngân sách.
“Do tuyến đường đất 7km tỉnh lộ 17 qua địa bàn xã bị hư hại nhiều do xe chở keo quá tải trọng nên người dân có ý kiến lên và xã đưa ra chủ trương cho thu tiền để có kinh phí sửa chữa”, ông Lâm nói.
Ông Lâm nói thêm, việc thu phí diễn ra hơn 1 năm nay, tiền thu được nhập vào ngân sách xã. Và việc thu tiền là do xã tự ý làm chứ không xin phép UBND huyện và cơ quan có thẩm quyền.
“Việc thu phí của xã là sai, đáng lẽ phải xin phép cấp trên và phối hợp với các cơ quan chức năng. Ở đây chúng tôi đã vận dụng để có tiền sửa chữa đường. Sắp tới tôi sẽ cho dừng việc thu phí và sẽ đưa ra các phương án giải quyết.
Một là sẽ đề nghị Hạt quản lý đường bộ cắm biển cấm xe quá tải, nhưng như thế thì dân và DN sẽ không mua bán keo được. Hoặc chúng tôi sẽ mời DN trồng rừng đến và đề nghị hỗ trợ sửa đường khi có xe thu mua keo”, ông Lâm nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, mặc dù chốt chặn của công an xã Lộc Yên được thành lập từ nhiều năm nay, hoạt động công khai cả ngày cả đêm, thế nhưng không một cơ quan nào có thẩm quyền ở huyện Hương Khê xử lý. Lãnh đạo huyện thì chỉ mới “nghe nói”.
Ông Ngô Xuân Ninh, PCT UBND huyện Hương Khê cho biết, sự việc trên ông cũng đã nghe phản ánh và đã chỉ đạo UBND xã Lộc Yên phải dừng lại.
“Việc thu phí như thế rõ ràng là trái pháp luật, tôi đã gọi điện yêu cầu chủ tịch xã dừng lại việc chặn xe thu tiền. Tổng số tiền thu được là bao nhiêu, sử dụng như thế nào, cần làm rõ, nếu trái pháp luật thì có thể truy tố”, ông Ninh nói thêm.