Đánh giá về sự kiện 16 bệnh viện (BV) tuyến TW ký cam kết không còn tình trạng nằm ghép, tại chương trình tọa đàm trực tuyến: Giảm tải bệnh viện - Cam kết vì người bệnh do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuối tuần qua, ông Nguyễn Văn Tiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Khi nghe tin hơn 10 BV tuyến TW cam kết giảm tải không để bệnh nhân nằm ghép, chúng tôi rất mừng vì sự cố gắng tích cực của lãnh đạo BV, ngành y tế, tôi ủng hộ cam kết của các BV và của Bộ Y tế...
Tín hiệu đáng mừng trong nỗ lực thực hiện giảm tải BV
“Trong các phiên họp của Quốc hội chúng tôi luôn chất vấn, nêu các vấn đề về việc mỗi chính sách, chủ trương chúng ta ban hành phải có chỉ tiêu, cam kết cụ thể chứ không chỉ nói chung chung rằng sẽ thu hẹp phòng hành chính, mở rộng phòng khám, phòng điều trị để giảm tải mà phải có chỉ tiêu cụ thể, có thể định lượng được. Và những cam kết cụ thể không để bệnh nhân nằm ghép của hơn 10 BV Trung ương là một tín hiệu đáng mừng trong nỗ lực giảm tải BV của ngành y tế, là biện pháp quản lý nhà nước rất hữu hiệu. 16 BV cam kết giảm tải và chúng tôi nghĩ rằng, các cơ quan báo chí và người dân sẽ theo dõi những cam kết này”- ông Tiên nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tiên, thực ra trong hơn 10 năm qua, Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Quốc hội đã nhận thấy vấn đề quá tải BV, chất lượng BV các tuyến dưới rất kém. Cho nên, chúng ta đã đầu tư mấy chục nghìn tỷ đồng xây dựng hệ thống hơn 700 BV huyện và hơn 100 BV cấp tỉnh. Cho đến bây giờ, nhờ các thành quả chúng ta xây dựng, củng cố y tế tuyến dưới, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa ở các tuyến tỉnh nên tuyến TW mới giảm. Do đó, việc 16 BV đã ký cam kết giảm tải và dự kiến sẽ có thêm 22 BV khác tiếp tục ký cam kết này là rất khả thi và đây cũng là một trong những “quả ngọt” mà chúng ta đầu tư rất mạnh cho hệ thống y tế từ nguồn trái phiếu Chính phủ, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của người dân, thực hiện Nghị quyết của Đảng về nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được thuận lợi hơn.
Với Luật BHYT mới, cơ chế mới, Nhà nước sẽ ban hành khung giá thống nhất về dịch vụ y tế trên toàn quốc cùng với việc chuẩn bị đưa ra nghị định về đổi mới tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các cơ sở y tế sẽ thúc đẩy các BV vay vốn, xã hội hóa để mở rộng cơ sở vật chất, tăng cường đội ngũ y bác sĩ, giảm tải thành công.
Cần có chính sách đồng bộ cho y tế tuyến dưới phát triển
Ông Nguyễn Văn Tiên cho biết, qua đi giám sát ở rất nhiều tỉnh thì khá nhiều BV tỉnh đã làm được những kỹ thuật của TW, cho nên bệnh nhân không về TW nữa. Đấy là thành công của ngành y tế trong việc chuyển giao kỹ thuật cho tuyến tỉnh. Thực ra, các BV tuyến TW và đặc biệt là Bộ Y tế rất cố gắng thúc đẩy các BV, các bác sĩ ở các BV tuyến TW... phải đi cơ sở thì chúng ta mới có được những thành quả bước đầu này.
Tuy nhiên, đáng lẽ chúng ta có được những thành quả này sớm hơn, nếu như chính sách đồng bộ, các tỉnh ủng hộ. Tôi lấy ví dụ từ chuyến giám sát ở một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, khi BV thực hiện các kỹ thuật xã hội hóa, mua các thiết bị về, nhưng UBND tỉnh không cho thu giá dịch vụ mà thu theo giá bảo hiểm thì làm sao phát triển được. Hoặc nếu Hà Nội xây BV Nhi thì BV Nhi TW không quá tải. Do vậy, chính sách của chúng ta phải đồng bộ, các địa phương phải vào cuộc, đồng thời các chính sách về giá, về bảo hiểm, nếu chỉ có cam kết từ BV thì không ổn.
“Đặc biệt, các tỉnh, lãnh đạo UBND và HĐND phải ủng hộ các hoạt động xã hội hóa y tế ở tỉnh thì mới sử dụng được các kỹ thuật hiện đại, khi đó mới giảm tải được cho TW và cái chính là người dân ở tỉnh đó được hưởng, họ không phải “khăn gói quả mướp” về chầu chực ở các BV TW, tuyến cuối. Đó là trách nhiệm của UBND tỉnh”- ông Tiên nêu rõ.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tiên cũng cho rằng, khi các BV đã cam kết giảm tải, không nằm ghép thì Bộ Y tế phải ủng hộ chứ không chỉ nói suông. Theo đó, Bộ Y tế nên có quy định để cấp huyện, cấp xã được cấp thuốc chứ không chỉ có BV tuyến TW được cấp. Bên cạnh đó, cần có giải pháp để thay bằng việc bệnh nhân hàng tháng phải “rồng rắn” lên TW xếp hàng khám chữa bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, lĩnh thuốc, thì nay họ chỉ phải đi khám 1-2 lần/năm ở tuyến TW. Lần đầu tiên khám để kiểm tra, sau đó 10 tháng còn lại lĩnh thuốc ở huyện, xã, sau đó tháng 12 tiếp tục lên tuyến TW kiểm tra lại. Nếu làm được như vậy, có thể giảm tải rất lớn cho người bệnh.
Thái Bình (ghi)