Mới nhất, sau những ngày Tết Tân Sửu, một diện tích rừng rất lớn thuộc tiểu khu 231- núi Đá Hang và nhiều khu vực khác ở xã Suối Tân bị “triệt hạ” không thương tiếc.
Gửi đơn nhiều rừng vẫn cứ mất
Chúng tôi đến khu vực núi Đá Hang thuộc xã Suối Tân, huyện Cam Lâm những ngày sau Tết Tân Sửu chứng kiến nhiều cánh rừng tại đây bị tàn phá rất nghiêm trọng. Hàng loạt cây gỗ quý có đường kính từ 20 - 40cm tại đây bị cưa hạ ngổn ngang.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Mỹ Hằng cho biết: Công ty chúng tôi được chính quyền địa phương giao quản lý, bảo vệ, chăm sóc 355ha rừng tái sinh tự nhiên tại xã Suối Tân, huyện Cam Lâm hơn 15 năm qua. Tình trạng phá rừng đốt than, chiếm đất làm rẫy trồng xoài, chuối, mít tại đây diễn ra nhiều năm nay rồi. Công ty và người dân nhiều lần gửi đơn phản ánh tình trạng phá rừng đến các cấp chính quyền nhưng rừng cứ mất…
Rừng khu vực núi Đá Hang là nguồn tài nguyên rất quý hiếm, có vai trò giữ nguồn nước ngầm cho cả một khu vực dân cư rộng lớn, chống xói mòn, hạn hán. Nếu mất rừng, thì giá trị tài nguyên ở đây sẽ không còn nữa, nơi đây trở thành các đồi đất trơ trọi.
Bà Hằng cho biết thêm, suốt 15 năm qua, làm việc quần quật trong rừng, bán đi cả tuổi trẻ chỉ mong bảo vệ lá phổi xanh cho quê hương. Nay “máu” rừng cứ chảy.
Nhiều nhà tạm dựng luôn trên đất rừng để chiếm đất làm hoa màu.
Theo người dân tại địa phương, khu vực núi Đá Hang có đến trên 1.000ha rừng tái sinh và đất lâm sinh trải dài trên địa phận các xã Cam Hòa, Cam Tân và Suối Tân, huyện Cam Lâm. Xưa, núi rừng được bảo vệ tốt nên môi trường sống không có nhiều xáo trộn. Nhiều vụ phá rừng quy mô, chính quyền xã Suối Tân, Hạt Kiểm lâm huyện Cam Lâm chỉ đến lập biên bản qua loa mà thiếu xử lý quyết liệt.
Trên chỉ đạo nhiều, dưới vẫn để phá
Để chấn chỉnh tình trạng phá rừng ở xã Suối Tân, ông Trần Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Khánh Hòa đã ký văn bản gửi Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Cam Lâm yêu cầu phối hợp kiểm tra, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép tại xã Suối Tân. Công văn nêu rõ: “UBND xã Suối Tân phối hợp, kiểm tra ngăn chặn tình trạng chặt cây đốt than, phá rừng, khai thác lâm sản trái phép; lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép...”
Trước đó, Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa cũng có Công văn 1168/SNN/KL do Phó Giám đốc Đỗ Anh Thy ký gửi UBND huyện Cam Lâm về việc đề nghị phối hợp xử lý tình trạng lấn chiếm đất rừng và chặt phá cây rừng trái phép tại khu vực xã Suối Tân. Công văn nêu rõ: “Đề nghị UBND huyện chỉ đạo UBND xã Suối Tân và các cơ quan chức năng có liên quan trên địa bàn tăng cường phối hợp tổ chức kiểm tra, ngăn chặn và xử lý tình trạng xâm phạm đất rừng, chặt phá cây rừng trái phép trên địa bàn”.
Công văn trên cũng cho thấy, sự vi phạm nghiêm trọng của tình trạng chặt phá cây rừng tại xã Suối Tân. Tuy nhiên, thật khó hiểu chính quyền xã Suối Tân và Hạt Kiểm lâm Cam Lâm vẫn chưa xử lý dứt điểm tình trạng phá rừng tại đây.
Để đánh giá mức độ hủy hoại rừng, ngày 19/2/2021, Hạt Kiểm lâm Cam Lâm phối hợp với UBND xã Suối Tân kiểm tra hiện trường rừng bị xâm hại tại tiểu khu 231 xã Suối Tân. Kết quả kiểm tra cho thấy tổng thể hiện trường bị chặt, phá nằm ở sườn đồi cao hơn mực nước biển khoảng 353m. Đường vào khu vực rừng bị chặt phá là đường mòn làm rẫy của người dân, đi qua vườn xoài, chuối của các hộ dân. Quan sát dấu vết tại hiện trường, đoàn kiểm tra nhận thấy, các đối tượng ranh mãnh dùng cưa, rựa sắt phá không rõ thời điểm, tại hiện trường còn lại các gốc cây chặt, cành nhánh và cây gỗ đã cắt thành khúc nằm rải rác. Xác định ban đầu có hơn 7.300m2 rừng bị phá thuộc xã Suối Tân. Quan sát hiện trạng thực tế và đo đếm gốc cây bị chặt tại hiện trường thì khu vực này có rừng tự nhiên.
Thiết nghĩ đã đến lúc UBND tỉnh Khánh Hòa cần vào cuộc, chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, làm rõ, xử lý nghiêm tình trạng phá rừng, chiếm đất ở xã Suối Tân theo quy định pháp luật.