Chinh phục nhiều kỹ thuật đỉnh cao

13-05-2016 08:15 | Thành tựu y khoa
google news

SKĐS - Lần đầu tiên tại Việt Nam thực hiện vá thông liên nhĩ bằng phương pháp nội soi hoàn toàn với quả tim vẫn đập; Cứu sống trường hợp thủng vách liên thất do nhồi máu cơ tim...

Lần đầu tiên tại Việt Nam thực hiện vá thông liên nhĩ bằng phương pháp nội soi hoàn toàn với quả tim vẫn đập; Cứu sống trường hợp thủng vách liên thất do nhồi máu cơ tim, trả cho người bệnh cuộc sống tưởng chừng đã khép lại – đó là những kỹ thuật đỉnh cao, đòi hỏi sự phát triển đồng bộ chuyên sâu đã và đang được thực hiện tại Trung tâm Tim mạch (TTTM) Bệnh viện (BV) E Trung ương.

Phẫu thuật tim không để lại sẹo trên ngực

Bé gái Phạm Thị Ngọc Tân, 11 tuổi (Bắc Ninh) nhập viện đầu tháng 5 trong tình trạng suy tim, sung huyết. Anh Phạm Tiến M., bố của Tân kể, gia đình mới phát hiện con bị bệnh tim bẩm sinh cách đây 1,5 tháng trong lần có đoàn bác sĩ đến trường học khám bệnh. Khi đến khám tại TTTM BV E, qua siêu âm, phát hiện bệnh nhi bị thông liên nhĩ lỗ thứ phát, kích thước lỗ thông lớn, khoảng 28 - 30mm khiến tim giãn và suy. Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn quyết định thử can thiệp bít bằng dụng cụ. Nhưng do lỗ thông kích thước lớn, giải phẫu các gờ không thuận lợi, cân nhắc nguy cơ lâu dài, các bác sĩ đã quyết định dừng can thiệp chuyển sang phẫu thuật.

GS.TS. Lê Ngọc Thành thăm khám cho bệnh nhi Tân sau khi được phẫu thuật nội soi vá thông liên nhĩ.

GS.TS. Lê Ngọc Thành - Giám đốc BV E, Giám đốc TTTM chia sẻ: Sau 300 ca phẫu thuật ít xâm lấn có nội soi hỗ trợ và 70 ca phẫu thuật ít xâm lấn vá thông liên nhĩ đã được thực hiện tại TTTM BV E, có thể nói, các bác sĩ TTTM BV E đã có một lộ trình để tự tin thực hiện ca phẫu thuật nội soi toàn bộ đầu tiên vá thông liên nhĩ cho bệnh nhi Tân.

Bệnh nhi đã được tiến hành phẫu thuật ngày 4/5/2016 qua 4 lỗ với kích thước dưới 1cm trong khi quả tim vẫn đập. Ca phẫu thuật kéo dài trong khoảng 4 giờ. Sau mổ, bệnh nhi hồi phục tốt, rút được máy thở sau 3 tiếng và ra khỏi phòng hồi sức sau nửa ngày. Hiện bệnh nhi không có biến chứng sau mổ, siêu âm tim kiểm tra lỗ thông vá đã kín.

ThS.BS. Đặng Quang Huy - người trực tiếp tham gia kíp phẫu thuật nội soi cho bé Tân cho biết: Mổ nội soi hoàn toàn sử dụng các lỗ nội soi (như trong mổ nội soi ruột thừa) để vá thông liên nhĩ. Trên thế giới đã thực hiện các kỹ thuật này, tuy nhiên chủ yếu ở người lớn vì cấu trúc thành ngực của người lớn rộng, dễ thao tác. Đa số các trung tâm trên thế giới thực hiện ngừng tim rồi thực hiện các thao tác khâu vá, chỉ có một số ít các trung tâm mổ trong điều kiện tim vẫn đập.

GS. TS. Lê Ngọc Thành cùng các bác sĩ thăm hỏi bé Tân trước khi ra viện

Giải thích về lợi ích của mổ không cần ngừng tim, BS. Huy cho biết: Khi phải ngừng tim trong quá trình mổ sau đó cho đập trở lại sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến chức năng tim, không thể sinh lý như việc để quả tim vẫn đập, vẫn được cấp máu như giải phẫu bình thường. Chức năng tim sau mổ sẽ hồi phục tốt hơn (nhất là với những bệnh nhân nặng, tim giãn nhiều). Nhưng để tim đập trong mổ cũng sẽ khó khăn hơn cho phẫu thuật viên vì máu vẫn được cấp về, đôi lúc sẽ gây khó khăn trong khi quan sát, thao tác nội soi.

Với phương pháp phẫu thuật nội soi hoàn toàn này, bệnh nhân sẽ nhanh hồi phục, đỡ đau hơn rất nhiều so với đường mở ngực nhỏ, càng ưu việt đối với việc phải mở ngực cưa dọc xương ức (trước kia). Đặc biệt, đối với trẻ em gái và bệnh nhân nữ sẽ tránh được di chứng biến dạng lồng ngực và sẹo mổ nhỏ đảm bảo yếu tố thẩm mỹ cao. Người bệnh sớm trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường sau mổ, chỉ sau 3-4 tuần, trong khi với bệnh nhân mổ mở phải mất tới 10 tuần.

Bệnh nhân Nguyễn Văn Giang đã phục hồi sức khỏe tươi cười trò chuyện với các y bác sĩ sau khi can thiệp 1 ngày.

Cứu sống ngoạn mục trường hợp thủng vách thông liên thất do nhồi máu cơ tim

Khi đến tìm gặp bệnh nhân (BN) Nguyễn Văn Giang 49 tuổi (Thường Tín, Hà Nội), chúng tôi không khỏi bật cười vì câu đùa “BN đang đi ra ngoài chơi” của các điều dưỡng khi ông Giang mới được thực hiện can thiệp bít lỗ thông trước đó 1 ngày. Không bất ngờ sao được khi trước đó chỉ mỗi nằm thở cũng là việc quá sức với ông Giang. Với tiền sử vào cấp cứu tại Viện Tim mạch BV Bạch Mai vì sốc tim, rối loạn nhịp thất, tắc mạch vành nhưng không can thiệp đặt stent được do bị tụt huyết áp sâu, nhiễm khuẩn huyết và rối loạn nhịp, ông Giang được các bác sĩ cho điều trị nội khoa. Tuy nhiên, ngày 26/4, BN bị suy tim nặng và được đưa vào cấp cứu tại TTTM BV E Trung ương.

Hình ảnh bít dù cho bệnh nhân Giang chụp trên màn hình cản quang.

Tại đây, các bác sĩ nhận định BN bị nhồi máu đến độ cơ tim hoại tử rất nặng mới gây thủng vách liên thất (trên bệnh nền tắc động mạch vành mạn tính). Theo GS.TS. Lê Ngọc Thành, trường hợp này nếu tiến hành phẫu thuật vá vách thông liên thất thì nguy cơ  thủng, mủn vách liên thất khi khâu là rất lớn. Hơn nữa, tình trạng nặng của quả tim không có khả năng chịu đựng được cuộc phẫu thuật lớn như vậy. Giải pháp tốt nhất với bệnh nhân là can thiệp đặt stent tái thông mạch vành trước, đảm bảo các phần xung quanh lỗ thông liên thất được tưới máu không hoại tử tiếp, sau đó mới có thể tiến hành bít lỗ thông.

BN đã được tiến hành đặt stent khơi thông dòng chảy mạch vành. Sau khi đặt stent 3 ngày, các triệu chứng của BN thay đổi hoàn toàn, không còn rối loạn nhịp, không còn suy tim nặng, BN đi lại sinh hoạt được gần như bình thường. Sau 3 tuần, các bác sĩ hội chẩn quyết định can thiệp đóng lỗ thủng vách liên thất cho BN vào ngày 9/5.

ThS.BS. Trần Đắc Đại - người tiến hành bít thông liên thất cho BN Giang cho biết: Thủng vách liên thất do nhồi máu cơ tim không giống như bị thông liên thất bẩm sinh. Nếu như lỗ thông liên thất bẩm sinh bờ xung quanh rõ và chắc, có thể dễ dàng đưa dụng cụ vào bít lỗ thông thì với thông liên thất do nhồi máu cơ tim, bờ xung quanh không chắc, rất mủn và rất khó làm. Hơn nữa, lỗ thông rất lớn, đồng nghĩa với dụng cụ lớn và đường dẫn đưa dụng cụ vào cũng phải lớn, hệ thống dây dẫn, ống thông đi vào dễ ảnh hưởng đến tim gây rối loạn nhịp, sốc tim trở lại. BV đã chuẩn bị sẵn kíp gây mê, kíp ngoại khoa, để bàn mổ sẵn sàng ứng phó. Ca can thiệp đã diễn ra tốt đẹp. Ngày hôm sau BN đã đi lại, sinh hoạt bình thường và cảm giác nhẹ nhõm “như nhấc được quả tạ ra khỏi lồng ngực”.

Thành công này là nỗ lực của một tập thể đoàn kết, đồng bộ trong chẩn đoán, nhuần nhuyễn trong chuyên môn; sự phối kết hợp ăn ý giữa các ê-kíp: nội khoa, ngoại khoa, can thiệp tim mạch để có các giải pháp mang lại hiệu quả tối ưu cho các ca bệnh nặng.


Bài ảnh: Mai Linh
Ý kiến của bạn