Ngắm biển mây tại Bạch Mộc Lương Tử.
Là đỉnh núi cao thứ 4 ở Việt Nam với địa hình khá hiểm trở, ai đã từng chinh phục được "người con gái" này sẽ choáng ngợp bởi khung cảnh hùng vĩ, hoang sơ nhưng đầy thơ mộng và kỳ ảo của Bạch Mộc Lương Tử (hay Kỳ Quan San).
Nơi đây là điểm hấp dẫn với những ai đam mê du lịch mạo hiểm, thích thử thách ý chí của bản thân.
Nằm giữa hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai, dãy núi Bạch Mộc Lương Tử địa hình hiểm trở được dân phượt khai phá từ năm 2012.
Ngọn cao nhất của dãy núi này có độ cao 3.046 m so với mực nước biển.
Để lên tới đỉnh, du khách phải leo quãng đường dài khoảng 30 km, qua nhiều địa hình khác nhau như đồi trọc, rừng tre nứa, rừng gỗ lớn, rừng trúc lùn đến những vách đá cheo leo toàn rêu phủ.
Có một điểm thú vị là hai sườn của dãy núi Hoàng Liên Sơn chịu ảnh hưởng của hai luồng khí hậu khác nhau: Phía bên Lai Châu chịu ảnh hưởng của gió Tây Nam từ Lào, còn bên Lào Cai lại chịu ảnh hưởng của gió Đông Bắc thổi từ Trung Quốc.
Vì vậy nếu lúc bạn đi và về bằng hai đường khác nhau thì sẽ có cơ hội được trải nghiệm hai khung cảnh khác nhau từ địa hình tới các thảm thực vật. Và lưu ý bạn cần phải liên hệ trước để lấy giấy giới thiệu của BCH Quân sự tỉnh trước khi leo núi để tránh rắc rối khi gặp bộ đội biên phòng nhé - Phùng Thu Hương (SN 1983, Hà Nội) chia sẻ.
Đường leo núi Bạch Mộc Lương Tử từ Lào Cai có độ dốc thoai thoải, vượt qua nhiều ruộng ngô, bãi chăn trâu bò của người dân tộc Mông bản địa…
Do đó đi núi này bạn sẽ được thưởng thức những đoạn dốc ngập tràn “phân trâu” trộn với bùn lầy.
Thời điểm được nhiều người lựa chọn để phượt Bạch Mộc Lương Tử nhất là từ cuối tháng 8 đến tháng 4 bởi khi này thời tiết mát mẻ, không quá lạnh cũng không quá nóng.
Ngoài ra leo núi vào mùa đông cũng là một trải nghiệm đầy thử thách nhưng cũng khá thú vị khi được chiêm ngưỡng cảnh tuyết rơi phủ trắng núi tạo nên khung cảnh vô cùng bắt mắt.
Thời gian để leo Bạch Mộc Lương Tử trung bình hết từ 2-4 ngày.
Thư thái...
Đường đi lúc đầu là những lối mòn, các bạn sẽ phải băng qua các nương ruộng và con đường làm thảo quả của dân bản.
Tiếp sau bạn sẽ phải vượt qua suối, tùy từng mùa mà nước ở suối có thể ít hay nhiều. Cần lưu ý cẩn thận khi di chuyển qua đây bởi nước khá lạnh cũng như rêu ở đá mọc nhiều rất dễ trơn trượt.
Khoảng 12h người đi sẽ tạm dừng chân nghỉ trưa, ăn nhẹ với lương khô, bánh mì và đồ hộp.
Đến chừng 18h đến điểm dựng trại với độ cao 2100m, du khách sẽ kiếm củi đốt lửa trại và nghỉ ngơi qua đêm trên lán.
Phút nghỉ ngơi bên bếp lửa hồng của Đào Văn Nghĩa.
Ngắm biển mây.
Đi xong rồi mới biết Bạch Mộc Lương Tử nằm trong top 4 đỉnh núi khó leo ở Việt Nam - Lê Huyền (SN 1987) cho biết.
Phùng Thu Hương (Hà Nội) đã leo được 6 đỉnh ở Việt Nam, có dự định leo núi ở nước ngoài nhưng do dịch COVID-19 và điều kiện xin visa chưa được.
Đào Văn Nghĩa (Thanh Oai, Hà Nội), đã leo 9 đỉnh núi ở Việt Nam, dự định tới đây sẽ chinh phục núi ở nước ngoài.
"Đối với thế hệ 9X thường xuyên leo núi thì mình thấy đây cũng là đỉnh núi khó khăn khi đi leo núi khi qua những con dốc cao, đường đá trơn trợt, hoặc những cơn mưa rừng bất chợt làm cung đường leo trở lên lầy lội và khó đi hơn. Bù lại chúng ta được hòa mình vào thiên nhiên, hít thở bầu không khí trong lành, được tìm hiểu về đời sống của những người dân tộc vùng cao, những bản sắc văn hóa vùng miền qua những người dân bản địa dẫn đường trong hành trình leo núi" - Văn Nghĩa tâm sự.