Đề xuất nhiều giải pháp chống thực phẩm bẩn
Liên quan đến các vấn đề xã hội, tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần, tăng trưởng kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội. Chính phủ tuyên chiến với nạn mất vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), Thủ tướng khẳng định sẽ sớm ban hành chỉ thị về vấn đề này. Trước đó, từ tình hình thực tế và đòi hỏi bức xúc của xã hội cũng như yêu cầu chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong thời gian tới, các bộ, cơ quan đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành một chỉ thị về bảo đảm ATTP với nhiều giải pháp mới, quyết liệt và cụ thể gắn với đề cao trách nhiệm của các cơ quan, công chức nhà nước. Theo đó, các nhóm giải pháp cơ bản bao gồm: đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là của chính quyền địa phương. Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về ATTP trên địa bàn; coi đây là nhiệm vụ cần tập trung, ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; ưu tiên bố trí đủ nguồn lực cho công tác này; xác định việc bảo đảm ATTP là một tiêu chí xây dựng nông thôn mới, khu dân cư văn hóa. Bộ trưởng các Bộ: Y tế, NN&PTNT, Công Thương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh, kiểm tra đột xuất về ATTP đối với ngành hàng được phân công, xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm và các cơ quan, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý ATTP. Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ, công an các địa phương nắm chắc tình hình các tuyến, địa bàn trọng điểm về vi phạm ATTP, điều tra, khởi tố một số vụ án điểm trong lĩnh vực ATTP theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016. Ảnh: Chinhphu.vn
Sớm có phương án kinh phí cho công tác quản lý ATTP theo hướng cho phép các địa phương chủ động sử dụng toàn bộ số tiền phạt vi phạm ATTP và có kinh phí tăng cường từ ngân sách nhà nước bảo đảm đáp ứng yêu cầu công tác này, đặc biệt là kinh phí cho kiểm nghiệm, xử lý tiêu hủy thực phẩm không an toàn. Trước mắt, ứng trước từ ngân sách cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2016.
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện ATTP; phát huy vai trò của nhân dân trong việc đấu tranh, phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm quy định về bảo đảm ATTP. Các bộ: Y tế, NN&PTNT, Công Thương, Công an, Bộ đội Biên phòng và các địa phương có cơ chế phù hợp (như đường dây nóng) để tiếp nhận phản ánh của nhân dân, báo chí về vi phạm ATTP và xử lý nghiêm, kịp thời; có hình thức tôn vinh, khen thưởng đối với cá nhân phát hiện và cung cấp thông tin về sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn...
Xử lý trực tiếp các vấn đề “nóng”
Về hiện tượng cá chết tại một số vùng biển miền Trung, tại phiên họp, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc làm việc với các địa phương liên quan ngày 1/5/2016, tập trung vào 5 nội dung: sớm có kết luận khách quan, khoa học nguyên nhân hải sản chết bất thường và công bố công khai; rà soát tất cả cơ sở sản xuất có xả thải, nhất là cơ sở sản xuất lớn; khôi phục, ổn định sản xuất; hỗ trợ kịp thời gạo, tiền, lãi suất cho người dân bị ảnh hưởng; xử lý nghiêm các đối tượng gây rối an ninh trật tự.
Về hạn hán, xâm nhập mặn và hiện tượng thời tiết cực đoan như giông, lốc, mưa đá..., Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp cấp bách bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, bảo đảm đời sống và sớm khôi phục sản xuất. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn và có biện pháp phòng chống, ứng phó hiệu quả cả trước mắt và lâu dài. Khi người dân gặp nạn thì lãnh đạo chính quyền phải có mặt ngay để giải quyết, Thủ tướng lưu ý.
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016, phiên họp thường kỳ đầu tiên kể từ khi Chính phủ được kiện toàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ phương thức chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đó là phải chuyển từ phương thức mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo, phục vụ. Cần phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và chức năng thị trường, hạn chế, tiến tới xóa bỏ cơ chế xin - cho. Cần phân cấp, phân quyền rõ ràng, cái gì bộ, ngành, địa phương làm tốt thì để bộ, ngành, địa phương làm, không đẩy lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng khẳng định: Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, chúng ta kiên quyết không điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2016, quyết tâm phấn đấu tăng trưởng 6,7%, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.