Chính phủ thảo luận về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và 4 dự án luật, đề nghị xây dựng luật

24-07-2024 14:56 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 24/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2024 - phiên họp chuyên đề pháp luật thứ 6 trong năm 2024.

Theo chương trình, phiên họp thảo luận về 5 nội dung quan trọng gồm: 2 đề nghị xây dựng luật: Luật Tình trạng khẩn cấp, Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi); 2 dự án luật: Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Việc làm (sửa đổi); Đề án về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.

Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thành kính dành phút mặc niệm tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc và đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa từ trần.

Chính phủ thảo luận về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và 4 dự án luật, đề nghị xây dựng luật- Ảnh 1.

Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thành kính dành phút mặc niệm tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc và đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa từ trần. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Phát biểu ý kiến khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đột phá về thể chế là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta. Chính phủ rất coi trọng công tác này và từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Chính phủ đã tổ chức 27 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; cho ý kiến, xem xét, thông qua đối với hơn 100 đề nghị xây dựng luật, dự án luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua hơn 60 luật, nghị quyết. Chính phủ ban hành hơn 380 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành gần 90 quyết định quy phạm.

Riêng trong năm 2024, Chính phủ đã tổ chức 5 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, cho ý kiến, thông qua đối với 26 đề nghị xây dựng luật, nghị quyết, dự án luật. Đặc biệt, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban.

Chính phủ thảo luận về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và 4 dự án luật, đề nghị xây dựng luật- Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2024. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Theo Thủ tướng, ngoài việc cần coi trọng về số lượng, bảo đảm tiến độ, phải đặc biệt coi trọng chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là thực hiện phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới, thiết kế các công cụ giám sát, kiểm tra; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, chấm dứt cơ chế "xin-cho", giảm phiền hà, chi phí tuân thủ cho các cơ quan, người dân, doanh nghiệp.

Nguyên tắc xây dựng luật là phải tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, vượt qua thách thức phát sinh trong thực tiễn, từ đó huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển đất nước theo mục tiêu Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Cũng tại phiên họp này, Chính phủ thảo luận Đề án về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam để trình có cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Bộ Chính trị đã có Kết luận 49-KL/TW ngày 28/2/2023 về định hướng phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là việc lớn, quan trọng, phải lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ trước khi trình cấp có thẩm quyền để triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng, Kết luận của Bộ Chính trị.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung trí tuệ, tiếp tục tinh thần đổi mới; trình bày báo cáo, phát biểu ý kiến ngắn gọn, rõ ý, đi thẳng vào vấn đề; tập trung trao đổi về các vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau cần thảo luận, xin ý kiến Chính phủ; bảo đảm tiến độ, chất lượng của Phiên họp với tinh thần "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm", từ đó dễ kiểm tra, giám sát, đôn đốc, thi đua khen thưởng.

Thống nhất đưa dự án Luật Phòng bệnh vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025Thống nhất đưa dự án Luật Phòng bệnh vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025

SKĐS - Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ, do yêu cầu cấp bách của thực tiễn và tình hình diễn biến rất phức tạp của dịch bệnh, Chính phủ thống nhất đưa dự án Luật Phòng bệnh vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn