Chính phủ ra công điện ứng phó mưa lũ phức tạp tại Bắc Bộ

11-07-2017 19:16 | Thời sự

SKĐS - Mưa, lũ từ ngày 06-09/7 đã gây ngập lụt cục bộ và sạt lở đất tại 7 tỉnh miền núi phía Bắc khiến 9 người chết, 2 người mất tích.

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 997/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ ngành, địa phương liên quan chủ động ứng phó mưa lũ tại các tỉnh Bắc Bộ.

Công điện nêu rõ: Những ngày qua, tại các tỉnh miền núi Bắc Bộ đã xảy ra mưa lớn kéo dài trên diện rộng gây ngập lụt cục bộ, sạt lở đất, sập đổ nhà, tắc nghẽn, chia cắt giao thông tại một số khu vực, thiệt hại về tính mạng, tài sản, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân, nhất là tại các tỉnh Thái Nguyên, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình.

Hiện nay, chuẩn bị bước vào thời kỳ mưa lũ chính vụ ở Bắc Bộ, thời gian tới mưa, lũ có thể sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Để chủ động ứng phó mưa lũ diễn biến bất thường, hạn chế thiệt hại, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh:

- Tiếp tục chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, tập trung tổ chức tìm kiếm người còn mất tích, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại; cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, nhất là các hộ bị mất nhà cửa, không để người dân bị đói.

- Tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất khi mưa lũ, cảnh báo cho chính quyền và các hộ dân biết, chủ động di dời đến nơi an toàn hoặc có phương án sơ tán khi xảy ra mưa lớn để bảo đảm an toàn tính mạng.

- Chủ động bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn giao thông an toàn tại các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết khi có mưa lũ, nhất là tại các ngầm, tràn.

- Huy động lực lượng hỗ trợ Nhân dân dựng lại nhà cửa, dọn vệ sinh môi trường, chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở sẵn sàng triển khai công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau khi lũ rút.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo cơ quan chức năng và các địa phương theo dõi chặt chẽ, vận hành an toàn hồ đập thủy lợi, đê điều; triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp khi mưa lũ.

3. Bộ Công Thương theo chức năng quản lý nhà nước được giao chủ động theo dõi, chỉ đạo vận hành an toàn các hồ đập thủy điện và hệ thống điện.

4. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan chức năng và đơn vị trực thuộc chủ động bố trí vật tư, phương tiện tại các khu vực xung yếu có nguy cơ sạt lở, chia cắt khi mưa lũ để kịp thời khắc phục các sự cố, bảo đảm giao thông trên các tuyến quốc lộ, hỗ trợ địa phương khắc phục sự cố trên các trục giao thông chính.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo, thông tin kịp thời đến các cơ quan chức năng và địa phương biết để chủ động chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó.

6. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống mưa lũ, thiên tai.

7. Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, kịp thời chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai ứng phó theo cấp độ rủi ro thiên tai; chỉ đạo vận hành an toàn các hồ chứa thủy điện lớn trên hệ thống sông Hồng theo nhiệm vụ được giao tại Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, góp phần phòng, chống lũ cho hạ du.

*** Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương cho biết, hiện nay (11/07), do ảnh hưởng của rãnh áp thấp qua Bắc Bộ kết hợp với hội tụ gió trên cao nên đêm qua (tính từ 19/10/07 đến 01h/11/7) ở Bắc Bộ đã có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to như: Mộc Châu (Sơn La) 36mm, Chợ Rã (Bắc Cạn) 41mm, Hiệp Hòa (Bắc Giang) 49mm, Hưng Yên 42mm, Hà Nam 36mm,…

Dự báo, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với hội tụ gió trên cao nên từ chiều tối và đêm nay (11/07) đến ngày 12/07, ở Bắc Bộ tiếp tục có mưa, mưa vừa, vùng núi mưa to đến rất to và rải rác có dông với tổng lượng mưa ở vùng núi phổ biến 50-150mm, có nơi trên 200mm, thời gian mưa lớn xảy ra tập trung vào đêm và sáng sớm. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.

Khu vực Hà Nội, từ 11-12/07, chiều tối và đêm có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra gió giật mạnh.

Cảnh báo, đợt mưa dông diện rộng ở Bắc Bộ và Thanh Hóa; mưa lớn ở các tỉnh vùng núi phía Bắc còn có khả năng kéo dài đến ngày 15/07.

Về tình hình mưa dông trên biển, hiện nay (11/07), khu vực Giữa và Nam biển Đông (bao gồm quần đảo Trường Sa), vùng biển Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và Vịnh Thái Lan đang có mưa rào và dông.

Dự báo, trong ngày và đêm nay (11/07), khu vực Giữa và Nam biển Đông (bao gồm quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và Vịnh Thái Lan tiếp tục có mưa rào và dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

Ảnh minh hoạ.

11 người chết và mất tích

Theo báo cáo ban đầu của các địa phương, mưa, lũ từ ngày 06-09/7 đã gây ngập lụt cục bộ và sạt lở đất tại 7 tỉnh miền núi phía Bắc (Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình). Tình hình thiệt hại như sau:

- Về người: 09 người chết (Thái Nguyên 04, Hà Giang 02, Điện Biên 02, Hòa Bình 01); 02 người mất tích (Hà Giang 01, Cao Bằng 01).

- Về nhà ở: 80 nhà bị thiệt hại; 26 nhà phải di dời.

- Về nông nghiệp: 296 ha lúa và 14 ha hoa màu bị ngập;

- Về Giao thông: 48.098 m3 đất, đá sạt lở; 07 cầu, cống bị hư hỏng.

Tổng thiệt hại sơ bộ ban đầu ước tính trên 9 tỷ đồng.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương đã huy động lực lượng tổ chức tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi gia đình có người bị thiệt mạng, hỗ trợ dựng lại nhà cửa, ổn định đời sống người dân; khắc phục tạm thời các điểm sạt lở, đảm bảo giao thông thông suốt.

Bảo đảm an toàn thực phẩm trong mùa bão, lũ

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, góp phần bảo đảm sức khỏe cộng đồng trong mùa bão lũ, Bộ Y tế khuyến cáo:

1. Trước khi có bão, lũ:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng dẫn người tiêu dùng (đặc biệt là các vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão, lũ cao) trong việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn, có kế hoạch chủ động dự trữ các loại lương thực, thực phẩm chế biến sẵn, nước uống đóng chai, các loại vitamin, các hoá chất sát khuẩn của ngành y tế.

- Đề nghị các cơ quan thuộc ngành y tế chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hoá chất, phương tiện, nhân lực… sẵn sàng phối hợp hoặc chủ động xử lý, khắc phục khi có ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh dịch liên quan đến thực phẩm xảy ra, không để lan rộng trong cộng đồng.

2. Trong khi bão, lũ xảy ra:

- Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng thực phẩm tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm, thuỷ sản chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân để làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm.

- Thực hiện ăn chín, uống chín.

- Đối với những vùng không đủ nước sạch có thể sử dụng các loại hoá chất sát khuẩn theo hướng dẫn của ngành y tế.

- Các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lợi dụng tình trạng khan hiếm thực phẩm để đưa ra thị trường các loại thực phẩm không bảo đảm an toàn, vệ sinh.

3. Sau khi bão, lũ rút:

- Chủ động hướng dẫn nhân dân vệ sinh môi trường, tu sửa, tổng vệ sinh nguồn nước dùng cho ăn uống và các công trình công cộng.

- Tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh để đảm bảo không xảy ra tình trạng thực phẩm không bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường.

- Chủ động xử lý, khắc phục sự cố khi có ngộ độc thực phẩm, không để lan rộng trong cộng đồng.

D.Hải
Ý kiến của bạn