Hà Nội

Chính phủ Mỹ phải đóng cửa: Chính sách “Nước Mỹ trên hết” Sẽ tiếp tục gây ra nhiều biến động?

22-01-2018 07:45 | Quốc tế
google news

SKĐS - Tổng thống Mỹ Donad Trump vừa kỷ niệm 1 năm cầm quyền bằng 1 kỷ niệm buồn khi chính phủ Mỹ chính thức đóng cửa vì hết ngân sách.

Động thái mới này phần nào phản ánh những rối ren của tình hình chính trị Mỹ ưới sự lãnh đạo của Tổng thống Mỹ Donald Trump 1 năm qua. Với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”, năm 2017 ông Donald Trump đã để lại nhiều tranh cãi về chính sách đối nội và đối ngoại. Chính vì thế, chính sách của Mỹ đã tác động mạnh đến cục diện chính trị toàn cầu và dự báo cũng sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến địa chính trị năm 2018 .

Việc Chính phủ Mỹ phải đóng cửa vì ngân sách liên bang hết hiệu lực thực sự là một kỷ niệm buồn khi Tổng thống Donald Trump tròn 1 năm nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ. Bởi chính phủ liên bang bị đóng cửa sẽ có ảnh hưởng nhiều mặt tới nền kinh kế Mỹ. Theo đó, hàng trăm nghìn nhân viên liên bang sẽ phải nghỉ việc tạm thời và hơn 1,3 triệu quân nhân sẽ vẫn phải thực hiện nhiệm vụ nhưng sẽ không được trả lương. Ước tính, nền kinh tế Mỹ ước tính sẽ bị thiệt hại khoảng 6,5 tỷ USD nếu chính phủ bị đóng cửa chỉ trong một tuần.

Việc chính phủ Mỹ phải đóng của do hết tiền, chỉ là biến động mới nhất trong một chuỗi các biến dộng để lại “hậu” 2017.  Dù Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền áp dụng hàng loạt chính sách kinh tế mới khiến kinh tế Mỹ khởi sắc. Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng gấp đôi so với năm 2016 ở mức 3% ; tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong 17 năm qua, nhưng bức tranh kinh tế đầy màu sắc lạc quan này cũng không thể che lấp những hạn chế trong năm cầm quyền đầu tiên của Tổng thống Trump.

Chính phủ Mỹ đóng cửa phản ánh những rối ren trong nội bộ nước Mỹ

Chính phủ Mỹ đóng cửa phản ánh những rối ren trong nội bộ nước Mỹ

Rạn nứt chính trường

Nội bộ đảng Cộng hòa nảy sinh mâu thuẫn khi Tổng thống Donald Trump để Quốc hội tự quyết định trong nhiều vấn đề như thay thế chương trình chăm sóc y tế giá rẻ Obamacare và cắt giảm thuế. Trong khi đó, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa tiếp tục đối đầu nhau trong nhiều vấn đề, mà việc chính phủ Mỹ phải đóng cửa ngày 20/1 là minh chứng rõ nhất.

Về đối ngoại, chính sách ngoại giao dưới thời Tổng thống Trump khiến nước Mỹ bị cô lập và đôi khi rơi vào thế đối đầu với cộng đồng quốc tế. Trong đó, việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Issrael; cứng rắn hơn trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên; rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Paris về ứng phó biến đổi khí hậu; rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) …gây ra không ít xáo trộn về địa chính trị quốc tế. Nhiều chính sách đối ngoại mới mà nhà lãnh đạo Mỹ áp dụng, đã khơi lên những mâu thuẫn sâu sắc với thế giới Hồi giáo, khiến hình ảnh của Mỹ trên trường quốc tế bị suy giảm, khiến nước Mỹ bị cô lập tại các diễn đàn đa phương, mà còn hủy hoại tiến trình hòa bình Trung Đông, tạo nguy cơ tái bùng phát bạo lực ở nhiều khu vực trên thế giới.

1 năm cầm quyền của Tổng thống Donald Trump qua đi, tác động của học thuyết “Nước Mỹ trên hết” khiến nước Mỹ tốt lên hay xấu đi hiện vẫn đang là chủ đề tranh cãi gay gắt trong dư luận người dân cũng như truyền thông Mỹ.

Nhiều câu hỏi cho 2018?

Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump thường khẳng định chính sách “Nước Mỹ trên hết” không có nghĩa là nước Mỹ bỏ lại thế giới phía sau. Nhưng thực tế cho thấy với khuynh hướng theo chủ nghĩa biệt lập, nước Mỹ của Tổng thống Trump có vẻ như chỉ tính toán đến các lợi ích của mình. 1 năm cầm quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chứng kiến những thay đổi phức tạp trong các mối quan hệ đồng minh. Đến thời điểm này, gần như tất cả các nước đồng minh của Mỹ đều nhìn Tổng thống Trump với con mắt hoài nghi bởi những tuyên bố “tiền hậu bất nhất” trong quan hệ với NATO, EU và các nước vùng Vịnh. Giới phân tích nhận định những gì diễn ra trong suốt 1 năm qua cho thấy về dài hạn, chính sách “Nước Mỹ trên hết”, chỉ tính toán đến lợi ích riêng của mình, sẽ không làm cho nước Mỹ mạnh hơn mà còn khiến cho cường quốc này yếu đi, cũng như đẩy thế giới vào bất ổn khó lường.

Năm 2017, vị thế của nước Mỹ dưới thời ông Donald Trump  ngày càng giảm sút. Tại châu Á, Trung Quốc ngày một lớn mạnh và mở rộng quỹ đạo ảnh hưởng. Tại Trung Đông, Nga và Iran “bắt tay nhau” chiếm ưu thế; trong khi tại châu Âu, mối liên kết giữa Mỹ với NATO cũng như các đồng minh chủ chốt đã chạm đáy căng thẳng.

Trong bối cảnh ấy, câu hỏi nước Mỹ sẽ ra sao trong năm 2018 ? tiếp tục được dư luận đặc biệt quan tâm. Năm 2018 được cho là một năm khó khăn khi Tổng thống Mỹ sẽ bước vào bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ, trong bối cảnh thế đa số mong manh mà phe Cộng hòa nắm giữ tại Thượng viện Mỹ đã suy yếu. Hiện, thách thức lớn nhất mà Tổng thống Donald Trump đang phải đối mặt là làm sao lật ngược được tình thế giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ sắp tới. Bởi chỉ có con đường giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2018, ông Trump mới có thể viết tiếp giấc mơ "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" và thực thi chính sách “Nước Mỹ trên hết” mà ông đang theo đuổi.

Rõ ràng, nước Mỹ với chủ nghĩa “thực dụng có nguyên tắc” của Tổng thống Donald Trump đang thay đổi mạnh mẽ. Và, người ta đang chờ xem năm 2018 này, nước Mỹ sẽ ra sao dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump.


Nhật Quang
Ý kiến của bạn