Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Hội nghị trong việc đánh giá tình hình sau 1/2 chặng đường năm 2018, nhất là “nhìn nhận yếu kém, tồn tại, nguy cơ đặt ra đối với sự điều hành, quản lý kinh tế - xã hội của đất nước”. Từ đó, Chính phủ có biện pháp cụ thể hiệu quả hơn để xử lý, khắc phục kịp thời trong 6 tháng cuối năm.
Kinh tế xã hội tăng trưởng tích cực và toàn diện
Các đại biểu, thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phát biểu thảo luận tại Hội nghị đều khẳng định, qua triển khai nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2018, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển và đạt được những kết quả tích cực, toàn diện. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước đạt 7,08%, là mức cao nhất của 6 tháng từ năm 2011 trở lại đây, tạo đà thuận lợi để đạt mục tiêu cả năm 6,7% đã đề ra. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát nhờ có sự điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng ước đạt 3,29%, nằm trong tầm kiểm soát so với mục tiêu phấn đấu là dưới 4%.
Chính phủ họp trực tuyến với các địa phương về kinh tế - xã hội.
Nhìn nhận tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng qua, Thủ tướng đánh giá khái quát tình hình tiếp tục phát triển, có nhiều chuyển biến tốt, toàn diện trên các lĩnh vực, nổi bật như GDP 6 tháng tăng 7,08%, cả 3 khu vực (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ) đều tăng cao hơn cùng kỳ.
Thủ tướng cho biết, năng lực sản xuất trong nước tiếp tục gia tăng với trên 64.500 doanh nghiệp mới được thành lập. Xu hướng kinh doanh tích cực hơn. Điều đáng mừng là an sinh xã hội được bảo đảm. Đời sống người dân tiếp tục được cải thiện. Đã phát gần 22 triệu thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.
Cho biết thời gian qua xảy ra nhiều vụ kỷ luật, nhiều vụ án, Thủ tướng nêu rõ, không phải vì thế mà chúng ta chùn bước trong phát triển, trong thực thi công vụ với tư cách là lãnh đạo của ngành, địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước. “Anh nào chần chừ, không làm việc, không xông pha để làm ra sản phẩm, hoàn thành tốt nhiệm vụ, là vấn đề đáng suy nghĩ”, Thủ tướng phát biểu.
Cần quan tâm lợi ích chính đáng của người dân
Về các khó khăn, thách thức hiện nay, trước tiên, Thủ tướng chỉ ra 3 vấn đề trong lĩnh vực xã hội: thiên tai, vấn đề an ninh trật tự và các vấn đề bức xúc xã hội khác. Theo đó, Thủ tướng cho rằng, chúng ta có đủ khả năng, đủ điều kiện để lập lại trật tự xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên của người dân, tạo môi trường đầu tư ổn định để đất nước phát triển đúng hướng. Đối với các vấn đề xã hội bức xúc, Thủ tướng cho biết, thời gian qua có nhiều đại biểu Quốc hội, nhiều ý kiến phản ánh về tình trạng an toàn giao thông, lừa đảo, xâm hại trẻ em, bạo lực học đường, an toàn thực phẩm, vệ sinh trong trường học, bệnh viện, tham nhũng, lợi ích nhóm, đề bạt cán bộ… Thủ tướng yêu cầu không để tình trạng xã hội bức xúc kéo dài, ảnh hưởng đến sự ổn định lâu dài của đất nước, niềm tin của nhân dân, đến thế hệ mai sau. Cần quan tâm đến lợi ích chính đáng của nhân dân. Đây là yêu cầu cần thiết đối với mọi cấp, mọi ngành.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng cũng nêu rõ yêu cầu đặt ra về cải cách thể chế, xây dựng cơ chế chính sách; nhấn mạnh những gì đang cản trở người dân, doanh nghiệp, cản trở sức sản xuất cần phải loại bỏ; nền kinh tế phải lấy mục tiêu hiệu quả làm đầu.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục bám sát và triển khai hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP; ưu tiên bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dựng thêm dư địa cho điều hành chính sách kinh tế vĩ mô; đào sâu suy nghĩ, tìm giải pháp hiệu quả bổ sung động năng mới cho tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2018 và giai đoạn 2018-2020; thực hiện cho được mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2018 ở mức dưới 4%.
Tập trung hơn nữa chỉ đạo, thúc đẩy phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường sinh thái... thực hiện đồng bộ, hiệu quả chính sách bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, chăm lo cho người có công. Tăng cường phòng, chống tai nạn, thương tích và phòng, chống đuối nước trẻ em. Thủ tướng giao trách nhiệm cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo cải thiện vấn đề nhà vệ sinh ở trường học và ở các bệnh viện, cơ sở y tế.
Các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chấn chỉnh kỷ luật kỷ cương hành chính; nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức trong hệ thống cơ quan công quyền;… Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không ngừng củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; thực hiện tốt việc giải quyết khiếu nại tố cáo ngay từ cấp cơ sở, không để khiếu kiện đông người vượt cấp lên Trung ương.