Tạo hành lang pháp lý để KHCN và đổi mới sáng tạo phát triển
Sáng 6/5, tại Kỳ họp thứ 9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày tờ trình dự án Luật KHCN và đổi mới sáng tạo.
Theo Phó Thủ tướng, trong hơn 10 năm qua, Luật KHCN 2013 đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cơ bản và quan trọng cho việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KHCN. Tuy nhiên, quá trình triển khai thi hành Luật cho thấy pháp luật hiện hành còn có những nội dung chưa phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn để phát triển KHCN, phát triển KT-XH.
Mục đích ban hành luật nhằm tạo hành lang pháp lý để KHCN và đổi mới sáng tạo đóng góp vào nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển của nhân loại.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày Tờ trình.
Phó Thủ tướng thông tin, dự thảo Luật KHCN và đổi mới sáng tạo gồm 8 chương và 83 điều (tăng 2 điều so với Luật KHCN năm 2013 do bổ sung nội dung đổi mới sáng tạo và cấu trúc lại Luật nên về hình thức có nhiều thay đổi so với luật hiện hành.
Về giao quyền tự chủ cho tổ chức nghiên cứu, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu và đánh giá hiệu quả cuối cùng của nghiên cứu, Dự thảo luật quy định cơ sở nghiên cứu được tự chủ, tự chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động nghiên cứu, xây dựng bộ máy, chi tiêu theo cơ chế khoán chi. Nhà nước quản lý mục tiêu, quản lý đầu ra, quản lý kết quả và hiệu quả nghiên cứu, không quản lý cách làm.

ĐBQH tham dự Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sáng 6/5.
Sự thông thoáng này sẽ đẩy nhanh quá trình nghiên cứu. Thêm vào đó, nếu một dự án nghiên cứu không đạt được kết quả như kỳ vọng, tổ chức nghiên cứu sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường như trước và được miễn trừ trách nhiệm dân sự đối với những thiệt hại phát sinh cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nghiên cứu.
Theo Phó Thủ tướng, việc giao tự chủ cho tổ chức nghiên cứu, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu không có nghĩa là buông lỏng trách nhiệm, mà để tạo cơ chế linh hoạt hơn để khuyến khích đổi mới. Sự dám chấp nhận rủi ro sẽ tạo động lực cho các nhà khoa học theo đuổi những vấn đề thách thức, đưa khoa học tiến xa hơn và mang lại những đột phá quan trọng.
Bổ sung nguyên tắc, tiêu chí xác định nhân tài
Về tiềm lực con người, nhân lực nghiên cứu chất lượng cao, nhân tài, dự thảo Luật bổ sung chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân, chính sách thưởng cho các nghiên cứu cơ bản, chính sách chia lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu cho nhân lực trong nước.
Dự thảo Luật cũng đặc biệt bổ sung nguyên tắc, tiêu chí xác định nhân tài trong hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo, qua đó quy đinh cơ chế thu hút, đãi ngộ nhân tài. "Lý do để thu hút, giữ chân người tài tham gia hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo; thu hút nhân tài là người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài về Việt Nam làm việc", Phó Thủ tướng cho biết.

Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Lê Quang Huy.
Thẩm tra nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban cơ bản thống nhất với quan điểm xây dựng Luật.
Về một số nội dung cụ thể, Ủy ban tán thành với quy định chấp nhận rủi ro trong hoạt động Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; cần bổ sung quy định để phân biệt với lỗi chủ quan hoặc vi phạm đạo đức nghiên cứu; bổ sung nguyên tắc nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro, tránh lạm dụng.
Nhất trí với sự cần thiết và cơ bản thống nhất với nội dung quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (từ Điều 20 đến Điều 23) nhưng cần thiết kế mang tính nguyên tắc chung, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Tán thành với quy định phân chia lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả thực hiện nhiệm vụ KHCN và đổi mới sáng tạo sử dụng NSNN và đề nghị nghiên cứu chỉnh lý theo hướng cần xác định khung tỷ lệ phân chia cụ thể, khuyến khích cơ chế tự thỏa thuận quy định trong hợp đồng và có thể dựa trên tỷ lệ vốn góp.