Chính phủ đã có những chỉ đạo kịp thời trước các tình thế đặc biệt

05-11-2020 18:07 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 5/11, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 3, thảo luận về tình hình KT-XH, ngân sách nhà nước... Các đại biểu cho rằng, với sự điều hành chủ động, sát sao, quyết liệt của Chính phủ trong thực hiện mục tiêu kép, chúng ta đã đạt được thành tích kép. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo hết sức kịp thời trước các tình thế cấp bách như COVID-19, lũ lụt, thiên tai...

Tại phiên thảo luận, đại biểu Dương Văn Thống (Yên Bái) đồng tình với dự báo tình hình năm 2021 của Chính phủ về đại dịch COVID-19 và tác động tiêu cực tới kinh tế đầu tư, thương mại toàn cầu. Đại biểu bày tỏ: Tăng trưởng kinh tế có thể chậm hơn nhưng bền vững, hiệu quả, hài hòa, làm cho dân hài lòng, hạnh phúc.

Đại biểu Dương Văn Thống cũng cho rằng, chi ngân sách thường xuyên có giảm nhưng vẫn còn rất cao, còn thấy lãng phí, có thể cắt giảm để dồn cho chi đầu tư phát triển. Chính phủ cần rà soát, cắt giảm mạnh hơn nữa chi thường xuyên. Một số chính sách quy định kiểu đặc thù với một số ngành phải được rà soát lại, kiên quyết xóa bỏ những bất hợp lý, không nể nang.

Nhắc lại tinh thần đoàn kết, sự ủng hộ của người dân, tinh thần dân tộc hết sức quý giá trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và thiên tai, lũ lụt, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho biết, trong năm 2020 với dịch bệnh và thiên tai chưa từng có, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có những chỉ đạo hết sức kịp thời. Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội để ứng phó COVID-19, được người dân chấp hành hết sức nghiêm túc; Thủ tướng cũng yêu cầu sửa ngay Nghị định 64 về ủng hộ, từ thiện trong thiên tai, bão lũ... Đây là những bài học quý báu cần được rút ra.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng tinh thần đoàn kết, sự ủng hộ của người dân là hết sức quý giá trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và thiên tai

Tán thành với các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021, giai đoạn 2021-2025, đại biểu Lê Thanh Vân đóng góp thêm 5 vấn đề cho Chính phủ như: đổi mới phương thức tổ chức hoạt động phù hợp với diễn biến tình hình hiện nay, đặt trọng tâm vào công tác ban hành, kiểm soát thể chế phân bổ hợp lý hài hòa các nguồn lực xã hội trong cùng 1 nhiệm vụ; phân biện rõ trách nhiệm các cấp trong thực hiện đầu tư công; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ mới trong quản lý…

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. HCM), cần đưa ra các kịch bản phát triển trong năm 2021 khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Theo đại biểu, nếu có vắc xin điều trị có hiệu quả, dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế phục hồi. Nếu điều này xảy ra, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 đạt trên 6% là khả thi. Trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục bùng phát, tăng trưởng kinh tế Việt Nam chỉ có thể đạt cao nhất 4-5%. Để kiểm soát dịch bệnh tốt, đại biểu cho rằng cần đầu tư nhiều hơn cho y tế cơ sở, y tế công cộng và y tế dự phòng, đặc biệt là các trung tâm kiểm soát dịch bệnh. Bên cạnh việc kiểm soát dịch bệnh, biến đổi khí hậu khắc nghiệt cũng là bài toán cần lưu tâm vì năm nào nước ta cũng hứng chịu hậu quả của lũ lụt, thiên tai.

Cũng tại phiên thảo luận ngày 5/11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã phản hồi các ý kiến tranh luận của các đại biểu liên quan đến đánh giá tác động của các dự án thủy điện, tình hình lũ lụt, thiên tai…. Bên cạnh đó, một số đại biểu đã nêu ý kiến cảnh báo tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch COVID-19; việc giải ngân gói hỗ trợ DN, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh còn chậm; bày tỏ lo ngại trước tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp, an toàn giao thông, tệ nạn xã hội, tội phạm đang gây nhiều bức xúc…

 


Tuấn Dương
Ý kiến của bạn