Cụ thể, tại phiên họp này, Chính phủ xem xét, cho ý kiến, thông qua đối với 7 dự án luật sẽ trình Quốc hội, gồm: Luật Tình trạng khẩn cấp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Đường sắt (sửa đổi); Luật Tương trợ tư pháp về dân sự; Luật Dẫn độ; Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 2/2025 của Chính phủ xem xét, cho ý kiến, thông qua đối với 7 dự án luật sẽ trình Quốc hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Sau khi nghe các bộ, cơ quan trình bày tờ trình tóm tắt về các dự án luật; báo cáo tiếp thu ý kiến thẩm định về các dự án luật…, các thành viên Chính phủ thảo luận sôi nổi về sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm xây dựng dự án luật; nội dung chính sách cơ bản của các dự án luật, nhất là những nội dung mới, mang tính đột phá nhằm tạo hành lang pháp lý và khơi thông các điểm nghẽn cho phát triển; tính đồng bộ của quy định; kinh nghiệm quốc tế…
Phiên họp thống nhất giao VPCP chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến, hoàn thiện, sớm trình ban hành Nghị quyết phiên họp để thống nhất triển khai; các đồng chí bộ trưởng chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thiện các dự án luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long thay mặt Thủ tướng Chính phủ điều hành phiên họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Tại phiên họp, các đại biểu cũng đánh giá, tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thống nhất rất cao và thông qua 4 luật và 5 nghị quyết quan trọng liên quan đến xây dựng, hoàn thiện thể chế và đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước, sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18…
Các đại biểu thống nhất cho rằng, các luật, nghị quyết nêu trên vừa được Quốc hội thông qua, đặt ra nhiệm vụ cho Chính phủ là rất lớn. Vì vậy, trong thời gian tới, Chính phủ cần phải tập trung tối đa nguồn lực vào công tác xây dựng thể chế, pháp luật, trong đó vừa bảo đảm đưa các luật vừa được thông qua vào cuộc sống bằng việc khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, vừa xây dựng các luật mới để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Phiên họp thống nhất giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến, hoàn thiện, sớm trình ban hành Nghị quyết phiên họp để thống nhất triển khai. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Các đại biểu nhấn mạnh, quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật phải bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; thống nhất, đồng bộ với các luật vừa được Quốc hội thông qua; tuân thủ trình tự, thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Luật cần quy định theo hướng khung, mang tính nguyên tắc, chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Giao Chính phủ quy định chi tiết nhằm bảo đảm tính ổn định của luật và bảo đảm tính chủ động của Chính phủ trong quản lý, điều hành; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi theo tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".