Tại Báo cáo của Chính phủ gửi các ĐBQH trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV nêu rõ, năm 2022 xuất hiện một số bất cập trong triển khai công tác khám bệnh, chữa bệnh như: Xuất hiện tình trạng thiếu thuốc, vật tư, sinh phẩm y tế tại một số cơ sở y tế công lập; tình trạng quá tải bệnh viện; một số bất cập trong đấu thầu, mua sắm thuốc…
"Với tinh thần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là trên hết, trước hết, Chính phủ đã trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật về đấu thầu, giá, khám bệnh, chữa bệnh và các nghị quyết cho phép gia hạn giấy đăng ký lưu hành đối với thuốc hết hiệu lực lưu hành. Ban hành nghị quyết về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế; Chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, mua sắm thuốc và thanh toán BHYT", Báo cáo của Chính phủ nêu.
Chính vì vậy, đến nay tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế từng bước được xử lý hiệu quả, trong đó bảo đảm đủ các loại thuốc thiết yếu, phổ biến. Đồng thời Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác và yêu cầu khẩn trương xây dựng, triển khai phương án giải quyết những vấn đề tồn đọng của 2 dự án Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2.
Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo:
Thứ nhất, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các Luật Dược, Luật BHYT và xây dựng, trình Quốc hội sớm ban hành Luật Trang thiết bị y tế để giải quyết các vấn đề thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế và BHYT một cách căn cơ, có hệ thống, bảo đảm hiệu quả .
Trong đó, sửa đổi, bổ sung Luật Dược theo hướng khắc phục kịp thời, hiệu quả những hạn chế, bất cập về cấp, gia hạn đăng ký lưu hành thuốc, công nhận các điều kiện, tiêu chuẩn của nước ngoài; quản lý việc kê khai, kê khai lại giá thuốc, mua sắm thuốc tại các cơ sở y tế, đặc biệt là trong các điều kiện xảy ra tình trạng khẩn cấp.
Sửa đổi, bổ sung Luật BHYT theo hướng bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT và cung ứng thuốc trong danh mục BHYT, bảo đảm giải quyết ngay các bất cập về giá thuốc, chất lượng thuốc và cung ứng thuốc BHYT.
Xây dựng Luật Trang thiết bị y tế theo hướng giải quyết những bất cập về các quy trình, thủ tục liên quan, bảo đảm đơn giản, thuận tiện, công khai minh bạch; quản lý chặt chẽ chất lượng, giá cả và cung ứng trang thiết bị y tế, trong đó có vấn đề đăng ký lưu hành, thủ tục mua sắm, xác định giá, thông tin, hướng dẫn về các loại trang thiết bị, công nghệ mới về y tế bảo đảm tăng năng lực tiếp cận, kịp thời đưa vào phục vụ hoạt động khám, chữa bệnh; kiên quyết không để tình trạng thuốc, trang thiết bị y tế kém chất lượng.
Thứ hai, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo thẩm quyền tiếp tục khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật để tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong mua sắm, đấu thầu, đàm phán giá thuốc, bảo đảm công khai, minh bạch theo tinh thần bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ tại các cơ sở y tế, thúc đẩy hoạt động mua sắm tập trung ở cả cấp quốc gia và địa phương nhằm tiếp tục hạ giá thuốc, duy trì mức giá thuốc hợp lý. Đồng thời có cơ chế dự trữ, điều phối hợp lý các loại thuốc hiếm; tạo điều kiện cho các cơ sở y tế, người bệnh tiếp cận các loại biệt dược…
Thứ ba, thúc đẩy phát triển mạnh ngành công nghiệp dược, trang thiết bị y tế. Trong đó chú trọng sản xuất các loại thuốc quan trọng, thiết yếu, tăng cường chuyển giao công nghệ, bảo đảm chủ động hơn trong cung ứng nguyên vật liệu, sản xuất và phân phối sản phẩm, hướng tới bảo đảm cơ bản đáp ứng nhu cầu thuốc thiết yếu của thị trường trong nước…
Thứ tư, tập trung xây dựng cơ sở y tế mới góp phần giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh;
Thứ năm, chú trọng đào tạo, phát triển nhân lực ngành y tế, có chính sách đãi ngộ, trọng dụng, tôn vinh và phát huy vai trò của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế.