Số ca nhiễm mới và tử vong ngày càng gia tăng, nhất là sau kỳ nghỉ lễ Eid-ul-Azha, Bangladesh. Chỉ trong 24h, Bangladesh đã ghi nhận 228 người tử vong đưa tổng số người chết vì COVID-19 lên 19.274 người. Báo cáo của cơ quan y tế Bangladesh cũng cho biết, trong 24h qua đã ghi nhận, 11.291 trường hợp mới với tỷ lệ lây nhiễm là 30,04%, nâng tổng số ca bệnh tại Bangladesh lên 1.164.635 người.
Chính phủ Bangladesh đã yêu cầu đóng cửa trên toàn quốc "nghiêm ngặt" trong 14 ngày để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Hàng trăm trường hợp tử vong trong 1 ngày, Bangladesh siết chặt các biện pháp phong tỏa.
Bộ trưởng Y tế Zahid Maleque cho rằng, tất cả mọi người nên tuân thủ các quy định hạn chế để giảm các ca nhiễm mới. "Chúng tôi không muốn số lượng bệnh nhân tăng lên. Để giảm số lượng bệnh nhân, chúng ta phải giảm lây nhiễm", ông Maleque nói khi đến thăm Trung tâm Hội nghị Đại học Y Bangabandhu Sheikh Mujib (BSMMU)- một bệnh viện dã chiến mới lập nên.
Người đứng đầu ngành y tế Bangladesh đã bày tỏ lo ngại về tỷ lệ lây nhiễm ngày càng tăng ở nhiều thành phố. Ông cảnh báo rằng: “Nếu tình trạng lây nhiễm tiếp tục gia tăng như hiện nay, bệnh viện sẽ không còn chỗ trống”.
"Nếu số ca COVID-19 không được kiểm soát, ảnh hưởng tới nền kinh tế, điều mà không một ai mong muốn. Vì vậy, không có cách nào khác, người dân cần tuân theo các quy tắc phòng ngừa dịch bệnh", Bộ trưởng Y tế nói.
Bệnh viện dã chiến BSMMU với 1.000 giường, bao gồm 200 giường chăm sóc đặc biệt, bệnh viện sẽ bắt đầu hoạt động từ ngày 31/7.
Mới đây, Ấn Độ đã gửi một lô hàng 200 tấn ôxy y tế hóa lỏng bằng đường sắt đến Bangladesh.
Chính phủ đã tái áp dụng việc phong tỏa, đồng thời yêu cầu tất cả mọi người phải ở trong nhà, tất cả cơ quan hành chính, doanh nghiệp đều bị đóng cửa.
Bộ trưởng phụ trách hành chính công Farhad Hossain cho biết: "Quyết định phong tỏa lần này sẽ nghiêm ngặt hơn so với lần trước".
Quân đội, Lực lượng biên phòng bán quân sự Bangladesh sẽ đảm bảo việc thực thi lệnh phong tỏa ở thủ đô Dhaka và các thành phố khác cũng như các điểm ra vào cửa ngõ. Người dân nếu không có việc khẩn cấp hoặc phục vụ nhu cầu thiết yếu sẽ không được ra khỏi nhà.