Theo TS-BS Nguyễn Trọng Tín, Trưởng khoa Cột sống B, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng không thể giữ đầu và cổ ở tư thế trung bình, tê 2 tay. Bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh Parkinson - một bệnh do thoái hóa hệ thần kinh nhiều năm liền.
3 năm trước, chị có cảm giác mỏi cơ cổ ngày càng tăng dần, đi điều trị nhiều nơi không giảm, không thể giữ cổ và đầu thẳng khi đi đứng, nói chuyện...
Qua thăm khám, bác sĩ nhận thấy bệnh nhân bị biến dạng gập cột sống cổ. Kết quả chụp MRI (cộng hưởng từ) ghi nhận bệnh nhân gập hoặc ngửa cổ thì bị chèn ép thần kinh, tủy sống ở cổ. Bên cạnh đó, bệnh nhân mắc bệnh nền Parkinson, phải uống thuốc điều trị 8 tháng nhưng không thuyên giảm.
Chị H. trước và sau khi phẫu thuật. Ảnh: BVCC
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc Hội chứng gập đầu trên bệnh nền Parkinson, chỉ định điều trị bằng nẹp cổ cứng và uống thuốc Parkinson. Tuy nhiên, tình trạng bệnh ngày càng nặng nên không đáp ứng thuốc, đầu gập hơn 40 độ. Bác sĩ tiếp tục hội chẩn và đưa ra quyết định bệnh nhân cần được phẫu thuật.
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Vũ Tam Trực, khoa Cột sống B, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM, các bác sĩ đã dùng 18 con ốc titan cố định từ xương đốt sống cổ thứ 2 đến đốt sống ngực thứ 3, nắn chỉnh lại cổ cho bệnh nhân trong tư thế nằm sấp.
Trong quá trình đặt ốc titan cố định và nắn chỉnh, bác sĩ phải hết sức cẩn trọng, chỉ cần một sơ suất nhỏ, bệnh nhân có thể bị liệt suốt đời. Sau khoảng 4 giờ đồng hồ căng thẳng, ca mổ thành công. Hiện bệnh nhân đã có thể kiểm soát khi vận động cổ, không còn phải cúi gập đầu khi đi lại.
Theo TS.BS Nguyễn Trọng Tín, 3 tháng đầu sau mổ, bệnh nhân chỉ được vận động nhẹ, hạn chế di chuyển bằng xe máy, kiểm soát đi lại tránh té ngã, không mang vác nặng. Sau đó chị sẽ được tập vật lý trị liệu, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Đây là ca phẫu thuật đầu tiên tại Việt Nam do Hội chứng gập đầu từ biến chứng của bệnh Parkinson. Theo y văn, thế giới có 129 trường hợp mắc bệnh này nhưng chỉ có 15 trường hợp được phẫu thuật, do một số nguyên nhân về tuổi già, sức khỏe.