Chính biến trên chính trường Mỹ

03-10-2019 14:24 | Quốc tế
google news

SKĐS - Càng gần đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, những tranh cãi chính trị ở Mỹ càng xuất hiện nhiều, thậm chí các cuộc điện đàm ở cấp cao nhất giữa Tổng thống Mỹ và tổng thống các nước khác cũng bị lôi ra “mổ xẻ” và trở thành chủ đề cho các cuộc tranh cãi ở Mỹ.

Trong bối cảnh Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ dẫn đầu đang  mở một cuộc điều tra luận tội nhằm vào Tổng thống D. Trump liên quan tới cuộc điện đàm gây tranh cãi với người đồng cấp  Ukraine, ông chủ Nhà Trắng lại đối mặt với các thông tin bất lợi mới đến  từ cuộc điện đàm với Thủ tướng Australia hay  sức ép phải  công khai nội dung cuộc điện đàm với Tổng thống Nga.

Sức ép từ cáo buộc sử dụng ngoại giao hỗ trợ lợi ích chính trị

Theo nhận định của tờ New York Times, các cuộc điện đàm của Tổng thống Mỹ với Thủ tướng Australia hay Tổng thống Nga đều có dấu hiệu của việc sử dụng “vũ khí” ngoại giao trong cuộc chiến đấu  sống còn  mang tên “Bầu cử Tổng thống Mỹ”.  Những lời buộc tội cho rằng, Tổng thống Mỹ đã dùng ngoại giao nhằm mục đích hỗ trợ các lợi ích chính trị của bản thân.

Hạ viện Mỹ mà đứng đầu là đảng Dân chủ đã khởi động tiến trình luận tội Tổng thống,  cho rằng Tổng thống D.Trump đã dùng gói viện trợ quân sự trị giá 400 triệu USD để  gây sức ép với lãnh đạo Ukraine Zelensky  điều tra đối thủ hàng đầu trong cuộc chạy đua tới  Nhà Trắng vào năm tới, cựu Phó Tổng thống Joe Biden cùng con trai của ông vì liên quan đến công ty dầu mỏ Ukraine.

Tổng thống Mỹ D.Trump lại vướng phải lùm xùm điện đàm với các nhà lãnh đạo thế giới.

Những diễn biến trên chính trường Mỹ cho thấy đang diễn ra một cuộc khủng hoảng về chính sách đối nội của Mỹ.  Khi Ủy ban Hạ viện Mỹ yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ  và  5 quan chức trong Bộ ngoại giao cung cấp tài liệu liên quan tới Ukraine và bằng chứng phục vụ cuộc điều tra  Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo phản ứng quyết liệt. Ông lên tiếng bảo vệ Tổng thống và những nhân viên của mình, đồng thời cho rằng các hành động của Hạ viện là “đe dọa và bắt nạt”. Đáp lại, các Ủy ban Tình báo, Đối ngoại và Giám sát Hạ viện  Mỹ cho rằng, Bộ trưởng ngoại giao đang “hăm dọa các nhân chứng” và ngay bản thân ông Pompeo cũng là một nhân chứng trong cuộc điều tra luận tội tổng thống vì ông cũng có mặt lúc Tổng thống Mỹ và Ukraine điện đàm.

Chưa dừng lại ở đó, mới đây, Tổng thống Trump lại bị 2 quan chức giấu tên trong chính quyền Mỹ tố cáo trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Australia Scott  Morrison, ông Trump đã hối thúc Thủ tướng Australia trợ giúp Bộ trưởng tư pháp Mỹ W.Barr thu thập thông tin nhằm mục đích điều tra ngược lại công tố viên  Muller – người  điều tra cáo buộc Tổng thống Mỹ  thông đồng với  Nga can thiệp bầu cử năm 2016.

Ngoài ra, một cuộc điện thoại  cũng nằm  trong “tầm ngắm” của những người phản đối ông Trump là cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga V.Putin và Tổng thống Mỹ.  Ngày 2/10, Tổng thống Nga V.Putin đã lên tiếng về các cuộc tranh cãi tại Mỹ liên quan đến Nga. Ông Putin  cho rằng, Moskva  không  tìm cách can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, đồng thời khẳng định không có bằng chứng nào cho thấy sự can thiệp của Moskva vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Công bố thông tin các cuộc điện đàm – tiền lệ xấu trong quan hệ đối ngoại

Mặc dù Tổng thống Nga V.Putin cho biết nước Nga đang bị lôi kéo vào những “tranh cãi chính trị nội bộ Mỹ” tuy nhiên ông  không phản đối việc công bố nội dung các cuộc điện đàm giữa ông và người đồng cấp Mỹ. Nếu điều này xảy ra, sẽ  tạo ra tiền lệ xấu  trong quan hệ đối ngoại giữa Mỹ và các quốc gia trên thế giới. Ngay cả những cuộc nói chuyện chính trị, ngoại giao cấp cao nhất giữa người đứng đầu, bất cứ khi nào cũng có thể  bị tiết lộ,  lãnh đạo các nước  sẽ ít nhiều dè chừng khi điện đàm với Tổng thống Mỹ, sẽ  ảnh hưởng xấu tới chính sách đối ngoại của Mỹ ra thế giới.

Từ những tranh cãi chính trị trong nước, giờ đây đã gây ảnh hưởng dây chuyền tới chính sách đối ngoại với các nước khác. Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ và Phát triển thuộc Câu lạc bộ quốc tế Valdai ông Andrei Bystrisky cho rằng, Mỹ đang hy sinh các mục tiêu chính sách đối ngoại đổi lấy những lợi ích chính sách trong nước.

Việc Quốc hội Mỹ yêu cầu được tiếp cận các cuộc điện đàm của ông D.Trump với các nhà lãnh đạo khác trên thế giới  với lý do “Tổng thống Mỹ D.Trump gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia” có thể chỉ là một cái cớ nhằm hạ uy tín của Tổng thống, nhưng nếu thành công, Hạ viện Mỹ sẽ giành thêm được số cử tri ủng hộ trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới.


Trần Hải
Ý kiến của bạn