Chính biến bất ngờ ở Myanmar

04-02-2021 13:36 | Quốc tế
google news

SKĐS - Trong lúc cả thế giới, trong đó có Myanmar, đang tập trung ứng phó với COVID-19 và các tác động tiêu cực của đại dịch lên nền kinh tế - xã hội, một cuộc chính biến bất ngờ đã xảy ra tại quốc gia có diện tích lớn thứ 2 Đông Nam Á này.

Những chỉ dấu rõ ràng

Nhiều nhà quan sát phương Tây cho biết không khỏi bất ngờ về cuộc chính biến tại Myanmar xảy ra hôm 1/2 vừa qua, ngay cả khi hàng loạt chỉ dấu rõ ràng về xung đột trước đó.

Trước cuộc chính biến, sau chiến thắng áp đảo của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) do nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi cầm quyền trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 11/2020, phe đối lập - Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) do quân đội hậu thuẫn - nhiều lần cáo buộc tồn tại gian lận bầu cử, từ chối công nhận chiến thắng của đảng NLD. Quân đội Myanmar cũng từng tuyên bố không loại trừ nguy cơ tổ chức chính biến.

Binh sĩ Myanmar phong tỏa tuyến đường dẫn tới Quốc hội nước này ở Thủ đô Nay Pyi Taw.

Binh sĩ Myanmar phong tỏa tuyến đường dẫn tới Quốc hội nước này ở Thủ đô Nay Pyi Taw.

Trước diễn biến chính trị bất ngờ tại Myanmar, ngày 3/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) triệu tập một cuộc họp khẩn cấp về Myanmar. Tuy nhiên, cuộc họp chưa thể ra tuyên bố chung do Trung Quốc và Nga đề nghị có thêm thời gian thảo luận. HĐBA LHQ dự kiến kêu gọi quân đội Myanmar trao trả quyền lực cho chính quyền dân sự, trả tự do cho những quan chức cấp cao bị bắt giữ, dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp và “tất cả các bên tuân thủ các chuẩn mực dân chủ”. Dự thảo này cần được Trung Quốc - quốc gia có quyền phủ quyết  với tư cách là thành viên thường trực của HĐBA, thông qua.

Cũng tại cuộc họp khẩn của HĐBA, Đặc phái viên của LHQ tại Myanmar, bà Christine Schraner Burgener, khẳng định việc quân đội Myanmar tuyên bố tình trạng khẩn cấp và bắt giữ các lãnh đạo dân sự là “vi hiến”. Bà cho rằng đề xuất của quân đội về việc tổ chức bầu cử cần bị bác bỏ, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo sự an toàn và các quyền cơ bản của người dân Myanmar cũng như ngăn bạo lực bùng phát.

Cùng ngày 3/2, một quan chức cấp cao quân đội Myanmar tiết lộ rằng quân đội đã trả tự do cho nhiều thủ hiến vùng và bang bị họ bắt giữ trước đó 1 ngày. Trong khi đó, một nghị sĩ giấu tên của Myanmar cho biết quân đội vẫn đang canh gác khu nhà công vụ dành cho các nghị sĩ ở Thủ đô Nay Pyi Taw. Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar Min Aung Hlaing hiện đang nắm quyền điều hành đất nước. Văn phòng Tổng thống Myanmar đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong 1 năm.

Phản ứng của thế giới

Ngày 3/2, Israel bày tỏ tiếp tục ủng hộ người dân Myanmar và tiến trình dân chủ hóa, kêu gọi duy trì hòa bình, trật tự và luật pháp tại quốc gia này, đồng thời ngăn chặn bạo lực. Bộ Ngoại giao Séc bày tỏ sự ủng hộ đối với các nhà lãnh đạo hợp pháp của Myanmar và kêu gọi tôn trọng kết quả cuộc bầu cử Quốc hội Myanmar hồi tháng 11/2020. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ba Lan kêu gọi tuân thủ các nguyên tắc dân chủ và khôi phục trật tự hiến pháp. Bộ Ngoại giao Nga mong muốn các bên ở Myanmar sẽ đạt được một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi quân đội Myanmar lập tức từ bỏ quyền lực, đồng thời ra lệnh xem xét lại việc tái áp đặt các biện pháp trừng phạt, vốn được dỡ bỏ nhờ tiến trình chuyển tiếp dân chủ tại quốc gia Đông Nam Á này.

Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đưa ra tuyên bố kêu gọi các bên ở Myanmar theo đuổi “đối thoại, hòa giải”, cũng như sớm đưa tình hình trở lại bình thường. Tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của “ổn định chính trị ở các quốc gia thành viên ASEAN” nhằm đạt được hòa bình, ổn định và thịnh vượng của Cộng đồng ASEAN.

Ngày 01/02/2021, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước những diễn biến tình hình gần đây tại Myanmar, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: Là nước láng giềng trong khu vực và cũng là thành viên ASEAN, Việt Nam hết sức quan tâm theo dõi tình hình đang diễn ra tại Myanmar. Việt Nam mong muốn Myanmar sớm ổn định tình hình để xây dựng và phát triển đất nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và tiếp tục đóng góp cho tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN.


H.A
Ý kiến của bạn