Làm móng, sơn móng không đúng cách là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh chín mé. Ngoài ra, mang giày cao gót, bít mũi; chơi các môn thể thao có nguy cơ bị chấn thương đầu ngón tay, ngón chân; bị béo phì; cắn móng tay (nhất là trẻ nhỏ)… cũng là những yếu tố góp phần gây bệnh chín mé.
BS Nguyễn Lê Thục Đoan - Trung tâm Truyền thông - giáo dục sức khỏe TP.HCM cho biết, chín mé là tình trạng nhiễm trùng mủ hoặc áp-xe ở đầu múp các ngón tay, ngón chân. Nguyên nhân thường do tụ cầu khuẩn vàng (vi khuẩn Staphylococcus aureus) hoặc virus Herpes tấn công. Đây là một bệnh ngoài da thường gặp. Vi sinh vật gây bệnh sẽ xâm nhập qua vết thương nhỏ khi chấn thương hoặc phát triển từ việc viêm quanh móng cấp tính… Nếu không biết cách chữa trị, giữ vệ sinh thì bệnh rất khó lành và dễ tái phát.
Bệnh tiến triển qua ba giai đoạn:
Giai đoạn một: Từ một-ba ngày đầu, ở đầu ngón tay, chân xuất hiện một chỗ sưng phồng, tấy đỏ, ngứa, sau đó đau nhức, khó chịu, khó cử động.
Giai đoạn hai: Từ ngày thứ tư-bảy, vết viêm lan rộng ra quanh ngón, có cảm giác nhức nhối, căng tức, đau giật theo nhịp mạch đập, có thể sốt nhẹ.
Giai đoạn ba: Có hiện tượng tụ mủ ở những điểm sưng đỏ lúc đầu.
Nếu không điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh có thể gây những biến chứng như: viêm xương, viêm bao hoạt dịch, viêm khớp hoặc nhiễm khuẩn huyết...
Ngoài bệnh chín mé, một số bệnh khác cũng xảy ra ở đầu ngón tay. Cho nên cần phải phân biệt rõ ràng để điều trị kịp thời.
Tổ đỉa:
thường thấy ở những người làm công việc tiếp xúc với dầu mỡ, hóa chất công nghiệp, rác thải, thuốc bảo vệ thực vật... Biểu hiện chủ yếu của bệnh là các mụn nước nhỏ, sờ chắc ở bàn tay, bàn chân. Kèm theo mụn nước là ngứa, đau, sưng nhẹ.
Chín mé do ung thư hắc tố (melanotic whitlow): là một dạng của ung thư hắc tố, xảy ra chủ yếu ở ngón tay cái hoặc ngón chân cái, đầu ngón bị sưng, thường có màu đen, có thể mất móng.
Khi bị bệnh, cần giữ vệ sinh sạch sẽ chỗ chín mé để tránh bị nhiễm trùng nặng hơn. Nếu thấy nặng, nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí đúng cách.