Chim yến trong đô thị

15-12-2018 10:49 | Xã hội
google news

SKĐS - Từ ngày lùi vào hẻm nhỏ, những tưởng cuộc sống tránh bớt được tiếng ồn nhưng nhiều người dân ở phường 9 (TP. Tuy Hòa, Phú Yên) phải trang bị cục nút tai để “đối phó” với tiếng chim yến rỉ rả từ ngày nọ sang ngày kia.

Hàng loạt nông dân, chủ điền trang ở Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận... vì muốn chóng hốt bạc từ nghề nuôi chim yến còn bán sạch ruộng rẫy đua nhau dốc hết tiền bạc xây biệt thự, nhà cao tầng để dụ yến. Nhưng, kỹ thuật nắm bắt chưa vững, nuôi tự phát, có nơi yến về, có nhà xây lên mãi để cho rêu mọc. Các điểm nuôi chim yến lại ngay trong các khu đô thị, thị trấn chen chúc nhà cửa khiến âm thanh từ yến làm đảo lộn cả cuộc sống. Nhiều lúc thời tiết bất thường, yến bay loạn xạ cả vào cửa hàng ăn, công sở. Nhiều người cũng trỗi dậy nỗi lo kiểm soát bệnh tật lây lan từ yến nuôi.

Các nhà yến cao tầng xây tự phát ở Đông Hòa (Phú Yên).

Các nhà yến cao tầng xây tự phát ở Đông Hòa (Phú Yên).

Vỡ mộng đại gia vì vội vàng

Sở hữu 3ha đất rẫy ở xã Khánh Nam (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa), cuộc sống điền viên, mỗi năm lời vài trăm triệu đồng từ việc canh tác chuối và bưởi da xanh. Bỗng một chiều tình cờ về xã Vĩnh Ngọc (Nha Trang, Khánh Hòa) nghe nhiều người người rần rần bàn chuyện mua xe hơi, ngồi đếm tiền tỷ từ nuôi yến nên ông Nguyễn Văn Hành bán tất tài sản ở Khánh Vĩnh về Vĩnh Ngọc mua đất xây nhà 5 lầu để nuôi yến. Bán trang trại không đủ, vay thêm ngân hàng 2 tỷ. Chưa từng cọ sát với nghề nuôi yến nhưng ông Hành vẫn thuyết phục người thân, tổ yến là “vàng trắng”. Nhưng rồi, với chút kỹ thuật chắp vá, học mót được từ nhiều nguồn khác nhau, chim yến ùa về rồi lại đi sạch.

Bần thần tiếc nuối ngày cũ, lo âu ngày mới, ông Hành thổ lộ: Ngỡ như tiền sắp vào túi, thỏa thích tiêu pha, hóa ra là ảo ảnh. Lúc đầu thấy yến về nhiều, có hôm bay đen cả một vùng, sung sướng quá, ra vào nhà yến liên tục bất kể giờ giấc mà không biết điều đó sẽ làm chim nhát và hoảng loạn. Sau này học thêm được kỹ thuật nắm bắt giờ thăm yến thì chim bay đi tìm chỗ ở mới an toàn hơn gần hết. Từ đó không vào nhà yến nữa thì hàng loạt thanh gỗ trong nhà yến ẩm mốc khiến chim bệnh tật, èo uột, đàn chết, đàn bỏ đi.

Để trang trải nợ nần và tiếp tục tìm hướng khắc phục, ông Hành mở bán tạp hóa ở tầng trệt của nhà yến. Cách nhà ông Hành không xa, chưa nắm bắt đầy đủ kỹ thuật, ông Nguyễn Xuyến cũng dốc hết gia sản làm nhà yến và bỏ việc ở công ty để về nhà chăm chim.

Liên tục vấp lỗi trong kỹ thuật tạo ẩm, tạo mùi nên tiếng chim yến thật trong căn nhà thênh thanh thưa vắng dần, chỉ còn lại tiếng chim được thu âm phát ra từ dàn loa mới cứng. Khắc khoải lo lắng, ông Xuyến chia sẻ: Không chỉ tôi hay ông Hành đâu, nhiều người khác cũng lâm cảnh này. Giờ vừa học vừa phải thuê nhân viên kỹ thuật về khắc phục lại phải xoay xở trả lãi ngân hàng tháng hàng chục triệu đồng, rất cực. Giá như không vội vã mà cứ tìm hiểu kỹ càng, xây một nhà trước chứ không xây ồ ạt 2 nhà cao tầng như vậy. Làm giàu nhanh quả thật là không dễ.

Lẻ loi trong căn nhà 4 tầng, rộng mấy trăm mét vuông, anh Lê Văn Phú ở Hòa Hiệp Trung (Đông Hòa, Phú Yên) nhấp nhổm như ngồi trên đống lửa với ước mong cháy bỏng, đàn chim yến sớm quay trở về.

Cũng bởi quá nôn nóng làm giàu, sau hai tuần ngắn ngủi nắm bắt kỹ thuật anh Phú vay mượn khắp nơi để làm nhà yến. Phú bảo: Thấy ở Tuy Hòa và nhiều nơi ở đây họ làm nguy nga như khách sạn. Mình cũng phải làm theo cho khỏi lép vế. Với lại, lỡ làm nhỏ sau này yến về nhiều lại nối tầng lên thì bất tiện. Khi chim yến kéo về làm tổ, muốn thu nhanh sản phẩm để trả nợ, anh Phú thu cả tổ non lẫn tổ già khiến yến không tăng đàn. Trong mỗi tầng của tòa nhà lại có nhiều bầy yến khác nhau mà Phú không chú ý ngăn phòng hợp lý nên bầy yến giảm dần, giảm mòn đến lúc tắt chiếc loa thì tiếng chim cũng im bặt Phú mới hốt hoảng đi học thêm và mời người có kinh nghiệm nuôi yến về khắc phục. Theo Phú thì, hiện vợ con phải đi làm thuê đủ việc để lo cuộc sống và trả lãi tiền vay. Nhiều chủ nhà yến anh quen cũng đồng cảnh ngộ.

Tiếng ồn như tra tấn

Lợi nhuận thu được từ việc thành công của một số chủ nhà yến khiến các “biệt thự yến”, “nhà cao tầng yến” tự phát mọc lên tua tủa ở nhiều khu dân cư khu vực Nam Trung Bộ, nhất là tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên gây ảnh hưởng lớn đến đời sống.

Những khoảng khắc êm ả giờ đây thành thứ xa xỉ với nhiều người dân ở tổ dân phố Ninh Tịnh (phường 9, TP. Tuy Hòa, Phú Yên). Ông Võ Đức Th. ngao ngán cho biết: Cứ kêu lên thì người ta lại bảo mình nhỏ nhen. Nhưng chịu không nổi, tiếng chim yến, tiếng loa dụ yến phát liên thanh suốt từ sáng đến tối, trẻ con thì giật mình liên tục, người già thì chẳng thể ngon giấc, sức khỏe cũng bất ổn theo. Những ngôi nhà cao chót vót chen vào giữa khu dân cư, chim yến bay đen kịt và kêu inh tai lên thế thì ai chịu nổi.

Từ ngày có nhà yến 5 tầng xây sát vách tường, quán ăn nhà bà Trần Thị Dịu ở phường 9 (Tuy Hòa) cũng vắng khách hẳn. Như đã thành quen sau nhiều ngày tháng chịu đựng, bà Dịu lắc đầu: Có lúc như bị tra tấn chịu không nổi người dân còn viết đơn lên cơ quan chức năng nữa. Giữa đô thị văn minh, nhà cửa san sát mà chim yến bay loạn, có lúc lông rớt xuống bay cả vào bàn ăn, bát đũa... thì khách nào dám vô. Hàng loạt quán ăn khác, khách cũng ngán khi vào ngồi ăn mà tiếng chim thật lẫn loa dụ chim dội vào tai inh ỏi.

Theo khảo sát, nhiều tuyến đường lớn ở trung tâm TP. Tuy Hòa như  Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Hùng Vương...đều mọc lên nhiều nhà nuôi yến tự phát. Hàng loạt người dân ở thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa, Phú Yên) cũng phải trữ sẵn bông nút tai trong nhà, mỗi khi âm thanh chim yến mạnh quá thì nút lỗ tai lại để có giấc ngủ không chập chờn.

Dời làng chài ở huyện Vạn Ninh lên đường 2/4 (Nha Trang, Khánh Hòa) để sinh sống và trị bệnh suy nhược thần kinh nhưng âm thanh từ loa dụ yến và tiếng chim yến phát lên inh ỏi, liên miên khiến ông Trần Văn Tuấn chịu không thấu, hàng ngày phải bắt xe buýt đến nhà người quen để nghỉ trưa. Thở dài, mệt mỏi, ông Tuấn chia sẻ: Đành rằng kinh doanh là quyền của mỗi người nhưng ngay ở những ngã ba, ngã tư, nhà cửa nêm kín như vậy mà tiếng ồn cứ dội vào tai không ngớt thì ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống. Có lúc chim đang kêu nhỏ, bỗng nhiên đua nhau kêu to lên, trẻ con đang ngủ liên tục giật mình là chuyện bình thường.

Để át bớt âm thanh, nhiều gia đình ở đường Lê Hồng Phong hay khu Hòn Nghê (TP. Nha Trang) cũng phải đóng kín mít các hệ thống cửa nhưng cũng chỉ là giải pháp tình thế.

Các nhà yến mọc tự phát, âm thanh inh ỏi ở TP.Nha Trang.

Các nhà yến mọc tự phát, âm thanh inh ỏi ở TP.Nha Trang.

Cần đẩy mạnh quy hoạch

Theo UBND TP. Nha Trang, trước những bất cập trong việc nuôi yến tự phát ở các đô thị văn minh thì thành phố đang đẩy mạnh quy hoạch có bài bản theo đúng Thông tư số 35/2013 của Bộ NNPTNT về việc triển khai các mô hình chim yến nuôi. Hiện tại, các xã, phường được giao khảo sát, giám sát chặt chẽ việc nuôi yến tự phát.

Tại Phú Yên, trước tình trạng nuôi yến tự phát tràn lan, để đảm bảo không làm đảo lộn sức khỏe và đời sống ở các khu dân cư, tỉnh này đã phê duyệt quy hoạch vùng, làng nghề nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2020, toàn Phú Yên chỉ có 4 vùng được nuôi chim yến gồm; thôn Phú Liên (xã An Phú, TP. Tuy Hòa) với diện tích 56,52ha; thôn Phú Nông (xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa) diện tích 10,26ha; thôn Tân Định và thôn Hội Sơn (xã An Hòa, huyện Tuy An) diện tích 87,62ha; thôn Phú Lộc (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa) diện tích 6,19ha. Việc triển khai nuôi yến không để gần khu công nghiệp, nhà máy, bệnh viện, trường học, cơ sở y tế, khu hành chính, khu nội thị của thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ, khu dân cư đông người.

Kỹ sư Lê Tuấn Dũng, Giám đốc Công ty kỹ thuật nuôi yến Tuấn Dũng (Nha Trang, Khánh Hòa) cũng nhận định: Âm thanh từ yến nuôi cùng các công cụ dụ yến nếu lớn quá sẽ tác động xấu đến sức khỏe con người. Khoảng cách chuẩn thì các nhà nuôi yến, khu nuôi yến tối thiểu phải cách nhà dân sinh sống, công sở, quán xá, trạm y tế... tối thiểu 120m. Người nuôi yến muốn tránh bớt các rủi ro thì phải trải qua khóa đào tạo kỹ thuật nuôi yến ít nhất là một năm sau đó còn phải đi thực tế các mô hình đã nuôi thành công. Trong nuôi yến, các kỹ thuật căn bản nhất nhưng khá quan trọng là: Kỹ thuật tạo mùi yến trong hệ thống nhà nuôi: Kỹ thuật thu tổ; Kỹ thuật xử lý nấm mốc; Kỹ thuật tạo ẩm... Đặc biệt, ở mỗi tỉnh có điều kiện thời tiết khác nhau thì đều phải có cách điều chỉnh kỹ thuật cho phù hợp nếu không sẽ tổn thất lớn.


Bài và ảnh: HÀ VĂN ĐẠO
Ý kiến của bạn