Hà Nội

Chim trời trước tấm lưới nhẫn tâm

19-01-2019 19:51 | Xã hội
google news

SKĐS - Trời miền Tây Nam Bộ bạt ngàn màu xanh. Nhiều cánh chim trời bay mải miết. Thế nhưng không biết ngày mai, những cánh chim ấy còn được an toàn dập dờn bay, hay sẽ bị tóm, bày bán ngoài chợ, trở thành những món khoái khẩu của dân nhậu?

Thực trạng nhức nhối diễn ra tại các khu chợ ở gần những nơi đang bảo vệ động vật hoang dã thuộc tỉnh Long An, Đồng Tháp...

Tội nghiệp, nhưng...

Vừa dừng xe trước ki-ốt, chị Hồ Thị Y., một tiểu thương trong chợ nông sản Thạnh Hóa, thị trấn Thạnh Hóa (tỉnh Long An), đon đả mời chào: “Mua hàng gì, làm ngay”. Chị Y. cho biết tại đây mặt hàng nào cũng có, từ chim yến, cò, vạc, chim trích đến cả le le, cú mèo, cu-li, rắn hổ bành, rắn nước, rùa, khỉ... Khu vực chợ nằm ven Quốc lộ 62, thuận tiện cho khách về các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp... nên mặt hàng động vật hoang dã (ĐVHD) bán rất chạy.

Dùng khò thui lông chim ở chợ Thạnh Hóa, tỉnh Long An.

Dùng khò thui lông chim ở chợ Thạnh Hóa, tỉnh Long An.

Chỉ vào một con chim trong lồng sắt vừa bị buộc chân, ngục ngoặc cái đầu, tôi hỏi là chim gì? Chị Y. trả lời là con điên điển, thịt thơm ngon, con này rất hiếm nên có giá 500 nghìn đồng. Khách ở TP. Hồ Chí Minh hay đặt mua. Khi tôi còn đang lưỡng lự, ái ngại nhìn vào chiếc lồng lớn nhốt chú khỉ con đang gãi gãi lên mặt, thì một chiếc xe du lịch nhỏ đỗ xịch xuống khu chợ. Có ông khách béo ục ịch bước đến hỏi mua điên điển. Trong nháy mắt, ông ta đã mặc cả mua xong một con điên điển, năm con chim trích, năm con cò trắng. Chị Y. gọi người đàn ông phía bên trong: “Eng ơi làm... khéc” (anh ơi làm cho khách - PV). Người đàn ông túm những con đã được chọn, dùng bàn tay của mình bóp nghẹt cổ rồi bẻ kêu “khậc”. Mấy con chim giẫy giụa trên mặt sàn. Người đàn ông tiếp tục dùng bếp khò, được chế từ bình ga mini dội lửa vào từng con cho cháy lông.

Chiều buông ánh hoàng hôn theo tiếng chim kêu thống thiết. Quay sang các cửa hàng bên cạnh, thấy ôtô tấp lề đường, khách tấp nập. Những chú chim bị buộc chân, đúng nghĩa thành chùm, hoặc treo, hoặc đặt trên những chiếc sàng. Con đã chết, con còn sống, có con đang hấp hối giãy giụa trong những phút cuối cùng của đời chim trời. Có con bị vặt trụi lông, ngóc cổ ngáp ngáp. Lại có những con bị nhốt trong lồng, lẫng chẫng nhảy tìm lối thoát. Hỏi một người đàn ông bên cạnh đang làm thịt cho khách, rằng để như vậy có tội nghiệp? Anh trả lời: “Có thấy tội, nhưng...vì công việc vẫn phải làm”!?

Câu trả lời khá... nhẫn tâm. Vì miếng cơm manh áo, nhiều người dân đã tìm mọi cách săn bắt chim trời, đưa đến những khu chợ tập trung thế này để giết thịt. Rồi những tiểu thương cũng tìm cách bán được hàng. Để thu hút khách, họ phải hành hạ... những con chim. Tiếng là chợ nông sản nhưng chỉ được bày bán một ít khoai mỳ còn lại là vô thiên lủng ĐVHD, vừa làm món nhậu, vừa nấu cao, ngâm rượu.

Trước đây khu chợ này còn diễn ra việc làm phản cảm khủng khiếp. Các hộ kinh doanh còn vặt trụi lông những con chim đang sống khỏe mạnh, buộc chân vào nhau rồi treo ngược lên, khiến chúng như những đứa trẻ không được mặc quần, đau đớn, run rẩy, nhỏ máu... Sau đó vì thấy quá phản cảm, giữa năm 2018, các cơ quan chức năng địa phương mới tuyên truyền, buộc các hộ kinh doanh khôngvặt lông chim còn sống rồi treo lên nữa.

Những nghịch lý

Điều đáng nói, là ngay cạnh những ki-ốt bày bán chim trời là tấm biển to tướng của lực lượng kiểm lâm với hàng chữ: “Bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ môi trường là bảo vệ chính cuộc sống tương lai của chúng ta”. Nhưng chim trời vẫn bị tàn sát! Hỏi chính quyền có biết không? Xin thưa có. Cách đó không xa là UBND thị trấn Thạnh Hóa, rồi Hạt kiểm lâm huyện Thạnh Hóa. Nhưng những chú chim này vẫn không được bảo vệ.

Chim trời được bày bán công khai ở chợ Thạnh Hóa.

Chim trời được bày bán công khai ở chợ Thạnh Hóa.

Tìm gặp ông Ngô Lê Dũng, Chủ tịch UBND thị trấn Thạnh Hóa, ông cho biết hiện có hơn 50 hộ đăng ký, trong đó 22 hộ kinh doanh gia cầm và ĐVHD. Nhờ khu chợ này mà khách thập phương biết đến Thạnh Hóa hơn, nhưng cũng đã xảy ra bất cập. “Thời gian qua, tỉnh Long An đã lập đoàn liên ngành kiểm tra, xử lý 25 vụ bắt, kinh doanh ĐVHD được bảo vệ. Tuy nhiên, theo Nghị định 157/2013-CP của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm hành chính về quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, tồn tại rất nhiều bất cập, không phù hợp với thực tế. Nghị định nêu cấm bắt một số loài rắn nước cần được bảo vệ, nhưng những con đó ở đây nhiều vô kể. Ngược lại, những con chim quý hiếm lại chưa được đưa vào danh sách bảo vệ”, ông Dũng phân tích.

Ngay như Hạt kiểm lâm huyện Thạnh Hóa, là đơn vị ngành dọc, đóng ở gần khu chợ cũng “bí” và cho biết đã kết hợp cùng chính quyền địa phương tuyên truyền cho người dân không kinh doanh ĐVHD, nhưng chỉ là tuyên truyền mà ít xử phạt vì giở luật ra chẳng biết áp dụng vào điều khoản nào. Về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Long An Đỗ Văn La, cho rằng nhiều loài được bán tại chợ Thạnh Hóa không thuộc danh mục cấm nên không thể xử lý. Cũng có khi đoàn kiểm tra đến, các đối tượng mang ĐVHD thuộc danh mục cấm giấu vào rừng để đối phó, tránh bị xử lý.

Rộng ra trên toàn quốc, chim cò, ĐVHD vẫn luôn bị săn bắt, tận diệt bằng lưới, bẫy, trở thành nỗi nhức nhối mà các cơ quan chức năng chưa có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ. Như dọc Quốc lộ 80 từ Cần Thơ về Đồng Tháp, chợ Ngã Bảy, thị trấn Cái Tắc - huyện Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang)... có nhiều hộ thu gom chim trời, bày bán cho khách qua đường, gây phản cảm.

Ngược trở lại với các vườn cò ở miền Bắc, tôi đã từng chứng kiến nỗi đớn đau của ông Đặng Đình Quyển - chủ vườn cò Đào Mỹ ở Lạng Giang (Bắc Giang) suốt nhiều năm đứng ra bảo vệ cò vạc như bảo vệ con, nhưng phải tận mắt thấy “thiên la địa võng” của các đối tượng “cò tắc” giăng ra ở các cánh đồng quanh ngôi vườn của mình để bắt cò và vạc. Tôi cũng từng chứng kiến nỗi tuyệt vọng của “người mẹ cò” Vũ Thị Khiêm, suốt gần 60 năm hiến đất cho cò, bảo vệ và nuôi dưỡng vườn cò Hải Lựu, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc). Hay cũng từng đắm mình trong không gian bình yên, nhân hậu, đối đãi tốt với chim trời của người dân xã Đông Xuyên, Yên Phong (Bắc Ninh) khi họ góp tiền trồng tre nứa làm nhà cho cò ở ngay đầu làng Đông Xuyên. Xã hội còn nhiều lắm những người được coi là “hiệp sĩ của thiên nhiên”, dám chịu khổ cho chim trời có chỗ trú ngụ, được nhiều người kính nể. Nhưng, dư luận không thể an tâm khi chứng kiến thảm cảnh giết hại ĐVHD ở nhiều nơi trên toàn quốc. Hoặcbàng hoàng khi lọt vào “thiên đường ăn nhậu” Nhật Tân (Kim Bảng, Hà Nam) mỗi ngày có hàng nghìn chim trời bị giết thịt. Mà những con chim này được bẫy, bắt từ Quảng Nam, Nghệ An... đưa ra. Thậm chí được “tuồn” từ Campuchia và Tây Nam Bộ về.

Đó chắc chắn là nguyên nhân dẫn đến nhiều vườn chim... vắng chim. Như vườn cò Đào Mỹ, vườn cò Đông Xuyên... chỉ còn 2/3 số lượng so với 10 năm trước. Hay Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen huyện Tân Hưng; Khu du lịch làng nổi Tân Lập thuộc huyện Mộc Hóa của tỉnh Long An; Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, Đồng Tháp)... cũng vơi bớt nhiều loài chim. Hỏi chuyện, ông Nguyễn Công Toại, Phó Giám đốc Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen cho biết, trước đây người dân vẫn vào vườn bắt trộm cá, chim cò, ong, thậm chí còn dùng cả xung điện. Hai năm nay nhờ tuyên truyền, xây dựng những mô hình sinh kế nên người dân xung quanh đã không vào bắt chim nữa.

Ngay như trong khu bảo tồn là Vườn quốc gia Tràm Chim, đã có loài không về ở. Quá sốt ruột, ông Trương Thanh Hải, Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm liên huyện Tam Nông - Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp), chỉ ra: Chim trong vườn có thể ra ngoài kiếm ăn, người dân tìm cách bắt ngoài đồng ruộng, trong rừng. Thế nhưng Thông tư 47 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa quy định cụ thể thế nào là ĐVHD, nên trong thực thi chúng tôi không xác định được sai phạm và không răn đe được. Chúng tôi kiến nghị chỉnh các văn bản luật cho sát với thực tế, bổ sung hình phạt, bổ sung các loại ĐVHD cần được bảo vệ và cần nhiều phương pháp bảo vệ chim trời.

Trở lại vấn đề nhức nhối tại chợ Thạnh Hóa, gần đây, ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An đã họp với lãnh đạo huyện Thạnh Hóa, chỉ đạo tìm cách chấn chỉnh tình trạng phản cảm. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện Thạnh Hóa cho biết, sẽ sắp xếp lại việc kinh doanh, cụ thể sẽ đưa khu giết mổ gia cầm, động vật sâu vào bên trong chợ, ngoài cùng là chỗ khách dừng nghỉ.

Cách làm ấy, dù tránh được sự phản cảm cho người đi đường, nhưng vẫn chưa làm thỏa mãn những người yêu ĐVHD, đặc biệt là chim trời. Bởi cách thức hữu hiệu để bảo vệ ĐVHD vẫn chưa được đưa ra. Nếu chỉ đưa ra những biện pháp yếu ớt như thế, thì ĐVHD sẽ tiếp tục bị đe dọa.


Diên Khánh
Ý kiến của bạn