“Chim nhỏ” của bé vừa ngắn lại vừa nhỏ thì có thể bị “lún dương vật”, là một dị tật bẩm sinh với biểu hiện dương vật nhỏ, ngắn do bị lún sâu vào vùng mu, thân dương vật bị tụt ra phía sau chỉ còn ống da bọc dương vật. Rất có thể bé còn bị hẹp bao quy đầu khiến đầu dương vật trông nhỏ hơn bình thường.
Ở trẻ có dị tật lún dương vật, lỗ tiểu đổ ra đúng ở đỉnh quy đầu, dương vật thẳng, nhưng thân dương vật bị lún tụt xuống dưới hoặc ngang mức của xương mu. Toàn bộ da dương vật thường nhỏ và ngắn. Trong khi đó, bao quy đầu lại bị chít hẹp; bìu bình thường. Nguyên nhân chính của bệnh lún dương vật là do dải cân Dartos dày xơ hóa bất thường chạy từ cân Scarpa của thành bụng tới quy đầu của dương vật. Dải băng xơ này kéo thân dương vật về phía sau và da dương vật lại không được cố định tốt với cân dương vật. Do vậy thân dương vật bị tụt ra phía sau còn ống da bọc dương vật nhô ra ngoài quy đầu tạo ra hình ảnh như “thừa da”. Ngoài ra còn một nguyên nhân nữa là do lớp mỡ dày một cách bất thường ở da trên mu và quanh dương vật nên che lấp một phần dương vật gây ra ngắn dương vật một cách tương đối.
Nếu việc chẩn đoán phiến diện, chỉ nhận thấy biểu hiện hẹp bao quy đầu mà không hiểu biết về bệnh “lún dương vật” sẽ đưa đến quyết định sai lầm không thể sửa chữa được là lỡ cắt bỏ bao quy đầu vì da bao quy đầu (ngay cả khi hẹp) là vật liệu vô giá để che phủ thân dương vật khi tiến hành phẫu thuật tạo hình dựng lại và kéo dài dương vật để điều trị dị tật lún dương vật này. Vì vậy bạn nên đưa con đi khám ở cơ sở y tế có chuyên khoa tiết niệu sinh dục để được thăm khám và chẩn đoán đúng. Bệnh lún dương vật này chữa được và nên mổ khi bệnh nhân còn nhỏ, ở tuổi trước khi đi học.
Điều trị lún dương vật nên sớm, khi bệnh nhân còn nhỏ