Chim hoang dã được bày bán công khai ở vùng dịch cúm A/H5N6

21-03-2015 19:00 | Thời sự
google news

Là nơi phát hiện ổ dịch cúm A/H5N6 đầu tiên tại Thanh Hóa, nhưng ngay tại trung tâm xã Hải Lĩnh, huyện Tĩnh Gia, chim trời vẫn được bày bán công khai dọc quốc lộ, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Ngày 12/3, tại xã Hải Lĩnh đã phát hiện ổ dịch cúm A/H5N6 tại gia đình ông Lê Đăng Nhất, ở thôn 2, làm 293 con gia cầm mắc bệnh. Ngay sau đó, Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa và Cục Thú y Vùng 3 đã tiến hành cho tiêu hủy 293 con gia cầm của hộ gia đình này và 730 con gia cầm của 16 hộ xung quanh để phòng bệnh dịch. Nhưng ngay giữa vùng dịch này, chim trời, chim hoang, gà tre… vẫn được bày bán tràn lan dọc Quốc lộ 1A, và chỉ cách UBND xã Hải Lĩnh vài trăm mét.

Chim trời, gà tre được bày bán công khai

Chim trời, gà tre được bày bán công khai

Đặc biệt, tại khu vực cầu Hang, gần chục quán chim bày bán với đủ các loại chim hoang dã cho tới chim trĩ, gà rừng, gà tre… Ngoài xã Hải Lĩnh, dọc tuyến Quốc lộ 1A những xã giáp với ổ dịch ở Hải Lĩnh như xã Hải An, Tân Dân, cũng có nhiều hộ gia đình vẫn bày bán chim một cách công khai.

Về việc người dân công khai bán chim trời, ông Mai Xuân Kiệm, Chủ tịch UBND xã Hải Lĩnh và ông Lê Văn Toàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tĩnh Gia đều cho rằng việc yêu cầu người dân không được buôn bán chim là rất khó.

“Chúng tôi chỉ quản lý về mặt hành chính tuyên truyền là chủ yếu, còn xử lý dẹp bỏ là của ngành kiểm lâm, công an với môi trường. Người buôn bán chim không phải ở xã này, họ ở nơi khác về đây thuê đất để buôn bán” – ông Kiệm cho biết.

Lãnh đạo địa phương cho rằng khó trong việc cấm bán chim trời

Lãnh đạo địa phương cho rằng khó trong việc cấm bán chim trời

Còn ông Lê Văn Toàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tĩnh Gia cho hay: “Trước đây kiểm lâm cũng có

nhiều lần ra quân dẹp bỏ những hộ buôn bán chim trời. Tuy nhiên, đây là những loại chim bình thường, không thuộc danh mục động vật do ngành quản lý nên việc xử lý, dẹp bỏ rất khó. Bên cạnh đó, ngành có phối hợp với huyện và địa phương xuống tận hộ gia đình vận động họ làm cam kết không buôn bán, nhưng họ vẫn cứ bán. Đây là nghề mưu sinh của họ, không thể cấm họ được”.

Liên quan đến công tác phòng chống dịch cúm gia cầm, ông Kiệm xác nhận tại địa phương có 2 hộ gia đình dính cúm A/H5N6 chứ không phải 1 hộ. Trước đó, nhà ông Lê Sỹ Tùng có khoảng 10 con gia cầm ốm chết, nhưng không báo mà tự ý đem chôn. Sau đó nhà ông Nhất có gia cầm ốm chết báo lên, địa phương đem một số mẫu đi xét nghiệm thì phát hiện thêm đàn gia cầm nhà ông Tùng cũng dương tính với cúm A/H5N6.

Toàn bộ số gia cầm của 2 hộ này có 353 con và 15 hộ xung quanh đã được tiêu hủy. Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa cũng đã phối hợp với Sở Y tế Thanh Hóa, tiến hành cách ly 2 hộ gia đình ông Lê Đăng Nhất và ông Lê Sỹ Tùng cấm không được đi ra khỏi vùng dịch, đồng thời lấy mẫu máu những người này đưa đi xét nghiệm ngay trong ngày 13/3.

Trao đổi với báo chí, ông Lê Văn Luận, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa cho biết đã có văn bản yêu cầu tiêu độc khử trùng và nghiêm cấm việc buôn bán trao đổi chim trời trong thời gian đang có dịch. Ông Luận cũng khẳng định, sẽ báo cáo UBND huyện Tĩnh Gia yêu cầu xử lý ngay vụ việc.


Ý kiến của bạn