Chiều tối nay, bão số 3 ảnh hưởng trực tiếp vào Thái Bình - Hà Tĩnh

18-07-2018 09:05 | Thời sự
google news

SKĐS - Khoảng chiều tối nay (18/7), vùng tâm bão với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh.

Hồi 07 giờ ngày 18/07, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây đảo Hải Nam, cách đất liền các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh khoảng 390km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25-30km; khoảng chiều tối nay (18/7), vùng tâm bão với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh, sau đó bão sẽ đi vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 07 giờ ngày 19/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 104,0 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt Nam - Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 50km tính từ vùng tâm áp thấp nhiệt đới.

Do ảnh hưởng của bão, ở khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa dông mạnh; phía Tây khu vực Bắc Biển Đông ngày hôm nay có gió bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh. Ở vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao 3-5m; biển động mạnh. Vùng ven biển đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng nước biển dâng trên nền thủy triều khoảng 0,5m; sóng biển cao 2-4m;  biển động mạnh.

Từ chiều nay (18/7), khu vực ven biển các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10.

Dự báo trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển về phía Tây, suy yếu và tan dần. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.

Từ trưa nay, ở các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa rất to và kéo dài đến khoảng ngày 20/7 (lượng mưa phổ biến 100-300mm/đợt, có nơi trên 350mm).

Cảnh báo: Từ ngày 18-20/7, trên thượng lưu hệ thống sông Hồng-Thái Bình, sông Hoàng Long, các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh sẽ xuất hiện 1 đợt lũ. Đỉnh lũ trên sông Đà, sông Thao, sông Hoàng Long và thượng lưu các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh lên mức BĐ1-BĐ2, sông Bưởi (Thanh Hoá) trên BĐ2; hạ lưu các sông chính ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh ở dưới mức BĐ1. Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét ở vùng núi các tỉnh phía Bắc và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh (chi tiết trong các bản tin lũ, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất). Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét, sạt lở đất: cấp 2.

*** Lũ lên nhanh trên các sông, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, lũ trên sông Ngàn Sâu tiếp tục lên, sông Ngàn Phố xuống dần. Trong 12 giờ tới, mực nước trên sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt lên mức 7,5m, ở mức BĐ1; sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm xuống mức 9,0m, dưới BĐ1: 1,0m.

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nên trong đêm nay (17/7), ở Hòa Bình, khu vực Đồng Bằng Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình tiếp tục có mưa vừa, mưa to. Từ chiều mai (18/7) đến đêm 19/7, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 nên ở khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ có mưa rất to trở lại.

Từ ngày 19-20/7, mưa lớn có khả năng mở rộng lên các tỉnh vùng núi phía Bắc và khu Tây Bắc Bắc Bộ (trọng tâm mưa rất to tập trung ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Sơn La).

Cảnh báo, từ ngày 18/7 - 20/7, trên thượng lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình, sông Hoàng Long, các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh sẽ xuất hiện 1 đợt lũ. Đỉnh lũ trên sông Đà, sông Thao, sông Hoàng Long và thượng lưu các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh lên mức BĐ1-BĐ2, riêng sông Bưởi (Thanh Hoá) lên trên mức BĐ2; hạ lưu các sông chính ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh ở dưới mức BĐ1.

Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và ngập úng: Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét ở vùng núi các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Quảng Ninh và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh; ngập lụt tại vùng trũng và đô thị ở các tỉnh: Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hòa Bình, Hà Nội và từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh. (Cần chú ý theo dõi Thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến cấp huyện trong các bản tin nhanh cảnh báo lũ quét, sạt lở đất). Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét, sạt lở đất: cấp 2.

Tình huống thiên tai phức tạp

Ngày 17/7/2018, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp giao ban để chủ động ứng phó với diễn biến của Áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) gần bờ và ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão. Tại cuộc họp, đại diện của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã đưa ra những nhận định về tình hình, diễn biến của 2 ATNĐ thì đây là một trong những tình huống thiên tai phức tạp

Theo báo cáo, do ảnh hưởng của ATNĐ một số khu vực đã mưa rất to trong ngày 16/7, lượng mưa đêm từ 100-200mm như Chợ Tràng (Nghệ An) 279mm, Linh Cảm ( Hà Tĩnh) 244 mm, Sầm Sơn (Thanh Hóa) 118mmm , trong hôm nay (17/7) lượng mưa sẽ giảm, tuy nhiên do ATNĐ trên biển Đông trong sáng nay sẽ mạnh lên thành cơn bão số 3 (SONTINH) đang tiến rất nhanh vào đất liền nước ta, nên mưa to đến rất to sẽ quay trở lại chiều tối 18/7, tổng lượng từ 200-300mm, tập trung tại các khu vực Nghệ An-Hà tình, Hòa Bình và Nam Sơn La.

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng về tình hình tầu thuyền thì hiện tại cũng đã triển khai công tác kiểm đếm và hướng dẫn được 41.042 phương tiện tầu thuyền trên biển. Tùy tình hình thực tế của ATNĐ và bão để thực hiện việc kêu gọi tầu thuyền, vì vậy cần theo dõi sát tình hình ATNĐ, tăng cường bản tin để chủ động trong chỉ đạo và triển khai nhiệm vụ.

Sau khi nghe báo cáo của các đơn vị, ông Trần Quang Hoài - Ủy viên Thường trực BCĐ Trung ương về Phòng chống thiên tai, Chánh Văn phòng –Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai nhận định: Đây là tình huống diễn biến thiên tai rất nhanh, đề nghị các địa phương, Bộ tư lệnh bộ đội biên phòng theo dõi diễn biến chặt chẽ của 2 ATNĐ tiếp tục hướng dẫn, kiểm đếm tàu thuyền thoát khỏi vùng nguy hiểm. Trên biển, đề nghị Tổng cục Thủy sản hướng dẫn địa phương bảo vệ sản xuất, nhắc nhở người dân sơ tán khỏi khu vực lồng bè, ven bờ khi bão đổ bộ, đặc biệt lưu ý đảm bảo an toàn cho khách du lịch.

Đề nghị Tổng cục Thủy lợi thực hiện nghiêm theo yêu cầu của Bộ trưởng tại cuộc họp ngày 16/7, về kiểm tra hệ thống các hồ chứa thủy lợi, hiện nay nhiều hồ trong tình trạng xung yếu, kiểm tra hệ thống công trình tiêu nước Đề nghị Vụ Quản lý đê điều –Tổng cục PCTT kiểm tra hệ thống đê biển, công trình đang thi công dang dở yêu cầu hoàn thành hoặc có phương án đảm bảo an toàn như cử lực lượng canh gác, tuần tra, chuẩn bị sẵn sàng vật tư hộ đê.

Đối với khu vực miền núi, theo dự báo có khả năng xảy ra mưa lớn, các cơ quan thông tin đại chúng cần thông tin, tuyên truyền mạnh mẽ để người dân, các cấp chính quyền chủ động thực hiện các phương án sơ tán, di dời, đảm bảo an toàn tính mạng tài sản.

Đối với vận hành liên hồ chứa, đề nghị kiểm tra, tính toán lại kỹ và làm việc thống nhất với tập đoàn điện lực Việt Nam, tùy theo diễn biến thực tế để hạ thấp mực nước hồ về cao trình đón lũ chính vụ. Đối với hệ thống liên hồ chứa khu vực miền Trung, cùng tư vấn cần tính toán ngay, sãn sàng tham mưu cho Ban chỉ đạo khi cần thiết, vì hiện nay theo dự báo thì khu vực miền Trung sẽ mưa rất to từ Nghệ An đến Hà Tĩnh, hiện nhiều nơi đã có ngập lụt cục bộ trong đô thị. Thành lập ngay các đoàn kiểm tra đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ thủy lợi tại những nơi xung yếu.


D.Hải
Ý kiến của bạn