Theo thông tin cập nhật từ BV Da liễu Trung ương, từ đầu năm đến nay đã có 80 trẻ ở Hưng Yên đến khám và điều trị bệnh sùi mào gà.
Hiện, BV vẫn đang tiếp tục điều trị miễn phí cho trẻ mắc sùi mào gà trên địa bàn huyện Khoái Châu, Hưng Yên đến hết năm 2017. Đồng thời, phối hợp cùng các chuyên gia và các đơn vị liên quan trong việc điều tra, truy tìm căn nguyên gây bệnh sùi mào gà ở trẻ. Các chuyên gia sẽ xây dựng bộ câu hỏi điều tra cộng đồng. BV sẽ dựa vào mẫu bệnh phẩm đang lưu để kiểm tra về vi rút và giá trị gen, từ đó làm căn cứ xác định nguyên nhân gây sùi mào gà xem có phải từ một nguồn lây hay không.
Trước đó, tại cuộc hộp lần thứ nhất của Hội đồng chuyên môn (ngày 24/7), các chuyên gia đã đi đến thống nhất sẽ điều tra dịch tễ toàn huyện Khoái Châu sau sự gia tăng bất thường của rất nhiều trẻ mắc bệnh sùi mào gà trên địa bàn này.
Trẻ mắc sùi mào gà điều trị tại BV Da liễu Trung ương.
Trong một diễn biến có liên quan, ngày hôm qua 26/7, UBND tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính bà Hoàng Thị Hiền (là chủ phòng khám tư nhân có liên quan đến vụ việc nhiều trẻ em ở Khoái Châu bị viêm nhiễm sùi mào gà do điều trị hẹp bao quy đầu) với số tiền phạt là 100 triệu đồng. Các hành vi vi phạm gồm:
- Cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động (vi phạm điểm a, khoản 6, điều 29 Nghị định 176/2013NĐ - CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế), mức phạt là 50 triệu đồng;
- Bán thuốc cho người bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh (vi phạm điểm a, khoản 4, điều 28 Nghị định 176) mức phạt tiền là 20 triệu đồng;
- Hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn được phép (vi phạm điểm c, khoản 5, điều 28 Nghị định 176), mức phạt là 30 triệu đồng.
Cùng với xử phạt hành chính, UBND tỉnh Hưng Yên đã bổ sung hình phạt đình chỉ hoạt động của cơ sở, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề 12 tháng đối với bà Hoàng Thị Hiền.
Tại cuộc họp của Bộ Y tế cung cấp thông tin cho báo chí ngày hôm qua 26/7, Bộ Y tế cũng nhấn mạnh đến vấn đề truyền thông y tế, cần phải giúp người dân hiểu sùi mào gà là bệnh gì, nguyên nhân lây nhiễm ra sao để phòng tránh không lây nhiễm thêm sang người khác, bao gồm cả trẻ em và người lớn.
Vấn đề thứ 2 đó là, các nhà ngoại khoa, dịch tễ cần phải khuyến cáo người dân lưu ý sức khoẻ con như thế nào mới đi khám và điều trị chít hẹp bao quy đầu. Ngoài ra, cũng cần tuyên truyền cho người dân khi đi khám bệnh phải chọn cơ sở y tế có uy tín để đảm bảo sức khỏe.
Biểu hiện của bệnh là tổn thương ở da hoặc niêm mạc là sẩn mềm màu da, hồng hoặc màu nâu, đường kính khoảng một vài milimet. Sau vài tuần đến vài tháng, các tổn thương có thể hợp lại thành mảng lớn hơn (giống hình súp lơ). Ở trẻ nam, sùi mào gà thường gặp ở vị trí thân dương vật và quanh hậu môn. Ở trẻ gái, bệnh có thể gặp ở âm hộ, phía ngoài âm đạo, quanh lỗ niệu đạo và quanh hậu môn. Một vài trường hợp có thể gặp ở bên trong niêm mạc âm đạo và trực tràng. Tuy nhiên, bệnh thường gặp ở trẻ nam hơn.
Đường lây bệnh sùi mào gà ở người lớn đa phần là do lây truyền qua con đường tình dục, còn trẻ thường mắc bệnh khi lây từ người chăm sóc trực tiếp, nhiều trường hợp được phát hiện lây trực tiếp từ bố mẹ. Đặc biệt, trẻ có thể mắc sùi mào gà do lây nhiễm từ đồ dùng như khăn, đồ lót bị nhiễm HPV, hoặc can thiệp y tế (như nong, phẫu thuật chít hẹp bao quy đầu) không đảm bảo điều kiện vô trùng.
Mối nguy hiểm của bệnh trẻ mắc bệnh Sùi mào gà nếu được chữa trị dứt điểm sẽ không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản cũng như tình dục sau này. Tuy nhiên, nếu không được chữa trị đúng phác đồ, bệnh sẽ tái phát, đặc biệt có thể tiến triển sang ung thư và khả năng sinh sản sau này.
Điều trị bệnh sùi mào gà, bắt buộc phải tới cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị, tùy theo mức độ tổn thương, vị trí tổn thương, tuổi của người mắc mà có phương pháp điều trị khác nhau như bôi thuốc, xịt hoặc áp nitơ, sử dụng laser, đốt điện hoặc phẫu thuật cắt bỏ tổn thương.