Chiều nay 28/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo họp báo, chính thức công bố phương án kỳ thi THPT quốc gia 2017 sau thời gian lấy ý kiến.
Trước đó, theo dự thảo đưa ra ngày 8/9, kỳ thi được giao về cho Sở Giáo dục các tỉnh chủ trì, diễn ra vào tháng 6 và giảm từ 4 ngày xuống còn 2 ngày.
Bộ dự kiến rút gọn 8 môn thi xuống còn 5 bài thi gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (tổ hợp Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học xã hội (tổ hợp Sử, Địa, Công dân).
Ngoài Ngữ văn thi tự luận 120 phút do giáo viên chấm, 4 bài thi còn lại đều là trắc nghiệm khách quan, làm trên giấy, chấm trên máy. Môn Toán tổng cộng 50 câu làm trong 90 phút, Ngoại ngữ 40 câu làm trong 60 phút. Hai bài thi còn lại mỗi bài gồm 60 câu thi trong 90 phút.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết mỗi phòng thi sẽ gồm 30 thí sinh, mỗi em có mã đề riêng để đảm bảo tính công bằng. Đề thi khác nội dung, nhưng độ khó tương đương. Tỷ lệ câu hỏi giống nhau giữa các đề khoảng 15% chứ không đơn thuần đảo vị trí các câu trắc nghiệm. Để có ngân hàng bài thi này, các câu hỏi được chuẩn bị qua 6 bước nghiêm ngặt.
Theo ông Nhạ, độ khó tính bằng đo lường trắc nghiệm, đã được thử nghiệm 3 năm ở Đại học Quốc gia Hà Nội và ở mức rất cơ bản chứ không đánh đố, em nào có năng lực vượt trội hơn thì vào đại học. "Đây là kỳ thi mà các chuyên gia và tôi khẳng định là ưu việt, đảm bảo nghiêm túc, thi xong là chấm bằng máy. Tiến tới sẽ thi bằng máy như chúng tôi đã thực hiện trong mấy năm qua", Bộ trưởng Giáo dục khẳng định.
Ông Nhạ cho hay, bài thi năm nay chỉ là tổ hợp nên học sinh và giáo viên sẽ có thời gian chuẩn bị cho việc dạy và học. Bộ dự kiến ba năm sau mới tổ chức thi tích hợp. Lộ trình sẽ được tính toán kỹ, thông báo cụ thể để tránh cho thầy cô, học sinh bị sốc. Bộ trưởng tin rằng khoảng ba, bốn năm sau, vấn đề thi cử sẽ không còn nóng như bây giờ.
Việc tổ hợp các môn thi thành hai bài thi Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và tổ chức thi trắc nghiệm hoàn toàn môn Toán lẫn Ngoại ngữ khiến dư luận dấy lên ý kiến trái chiều. Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ủng hộ thi trắc nghiệm các môn, thậm chí đề xuất thi trắc nghiệm cả Ngữ văn. Trong khi đó, Hội Toán học Việt Nam đề nghị hoãn thi trắc nghiệm môn Toán trong năm 2017, với lý do hình thức trắc nghiệm có tính phân loại không cao. Việc chuyển từ tự luận sang trắc nghiệm khi chưa có đủ cơ sở khoa học sẽ gây hoang mang xã hội. Còn dư luận băn khoăn với hàng loạt câu hỏi vì sao phương thức thi liên tục thay đổi, khâu ra đề sẽ ra sao, các trường sẽ xét tuyển thế nào, việc đổi mới này có thực sự giảm áp lực?
Trước năm 2014, Việt Nam có 13 năm liên tục thi đại học theo hình thức 3 chung: chung đề, chung đợt và sử dụng chung kết quả thi. Sau khi thi tốt nghiệp THPT tại địa phương vào cuối tháng 6, sang tháng 7 thí sinh sẽ thi đại học, cao đẳng ở một số cụm thi nhất định, thời gian thi một ngày rưỡi.
Từ năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo gộp hai kỳ thi tốt nghiệp và đại học, cao đẳng vào làm một, gọi là kỳ thi THPT quốc gia. Thí sinh thi vào đầu tháng 7 tại các cụm địa phương (cho người chỉ xét tốt nghiệp) và cụm do đại học chủ trì (cho người vừa xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học). Ngoài 3 môn bắt buộc gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ và một một tự chọn để xét tốt nghiệp, thí sinh có thể chọn thêm những môn sau Sử, Địa, Lý, Hóa, Sinh để xét tuyển đại học. Tổng thời gian thi 4 ngày.