Với niềm tin bản án phúc thẩm có lợi, cựu chủ tịch HĐQT Vinalines Dương Chí Dũng dù bị VKS đề nghị y án tử hình vẫn tỏ thái độ vui vẻ.
14h ngày 7/5, TAND Tối cao tại Hà Nội sẽ ra phán quyết về đơn kêu oan, xin giảm hình phạt của ông Dương Chí Dũng (cựu cục trưởng Hàng hải, cựu chủ tịch HĐQT Vinalines), Mai Văn Phúc (cựu tổng giám đốc Vinalines) cùng 7 đồng phạm trong vụ án Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Tham ô tài sản.
Luật sư Trần Đình Triển, một trong ba người bảo vệ quyền và lợi ích cho ông Dũng chia sẻ, trong suốt quá trình xét xử phúc thẩm (từ ngày 22/4) tâm trạng thân chủ thoải mái vì có niềm tin về "một bản án có lợi". Hơn nữa, ông Dũng nhận ra đã mắc sai lầm lớn là bỏ trốn khi biết tin bị khởi tố nên khai báo “rất thanh thản”.
Ông Dũng còn nhận được quan tâm đặc biệt của vợ, con, theo luật sư Triển đây là nguồn động viên lớn nhất. Trước khi ra tòa, ông Dũng gặp người thân, mẹ già và được vợ đọc bài thơ chất chứa tình cảm son sắt.
Về số tiền 5,2 tỷ đồng đã nộp cho cơ quan thi hành án, luật sư Triển cho rằng ông Dũng thấy có trách nhiệm phải khắc phục một phần hậu quả và mong muốn gia đình giúp ông tiếp tục nộp 110 tỷ đồng bồi thường theo phán quyết của tòa sơ thẩm.
Vài ngày trước, dù bị VKS đề nghị HĐXX bác kháng cáo, giữ nguyên hình phạt tử hình, ông Dũng vẫn giữ thái độ bình thản. Trong lời nói sau cùng, ông tha thiết mong được sống để có ngày minh oan, không phải rơi vào cảnh “quýt làm cam chịu”.
Cựu cục trưởng Hàng hải thừa nhận để xảy ra sai phạm khi xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, mua ụ nổi 83M gây thất thoát gần 367 tỷ đồng là do thiếu quan tâm sát sao với cấp dưới. Ông thấy có lỗi một phần trong thiệt hại của Vinalines song không chỉ đạo mua ụ nổi 83M như cáo buộc.
Cựu chủ tịch HĐQT Vinalines luôn giữ tinh thần lạc quan.
Trong những ngày diễn ra phiên phúc thẩm, ít phút ngắn ngủi ngồi đợi HĐXX vào làm việc, được nói chuyện với vợ, ông Dũng vui vẻ. Có hôm ông vuốt má vợ, bảo: “Anh rất yêu em, anh có lỗi với tổ tiên…”.
Khi bị đưa ra xe thùng về trại tạm giam, ông Dũng cười, giơ tay vẫy người thân. Vợ ông gửi nụ hôn gió tới chồng, dặn ngủ ngon và đừng suy nghĩ nhiều. Ngày xử nào xong, bà cũng đợi cho chiếc xe thùng chở chồng khuất dạng, nấn ná ở cổng toà rồi mới theo con ra về.
Khác với tâm trạng cựu chủ tịch HĐQT Vinalines, cựu tổng giám đốc Phúc tỏ ra căng thẳng hơn, thi thoảng cười. Dù khai có mâu thuẫn nên “không đội trời chung” với ông Dũng, nhưng khi ngồi đợi phiên xử bắt đầu, hai ông vẫn bắt tay chào nhau.
Khi nghe VKS đề nghị bác kháng cáo kêu oan cho cả hai tội Cố ý làm trái và Tham ô tài sản, ông Phúc lặng lẽ. Phía sau, vợ ông tỏ vẻ lo lắng. Bố ông cũng chống nạng đến toà để động viên con.
Ông Dũng và ông Phúc bắt tay nhau trước khi phiên xử bắt đầu.
Phiên tòa phúc thẩm được mở do đơn kháng án của 9 bị cáo. Cụ thể ông Dũng và Phúc (cùng bị kết án tử hình) kêu oan cả hai tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản.
Bị cáo Trần Hải Sơn (nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines, án 22 năm tù) xin giảm nhẹ hình phạt và mức bồi thường; Trần Hữu Chiều (nguyên phó tổng giám đốc Vinalines, 19 năm) xin giảm hình phạt, miễn trách nhiệm tội tham ô tài sản; Lê Văn Dương (nguyên đăng kiểm viên Chi cục đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm Việt Nam, 7 năm tù) kêu oan và xem xét tiền bồi thường dân sự.
Lê Ngọc Triện (nguyên đội trưởng nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong, án 8 năm) xin giảm hình phạt, giảm bồi thường thiệt hại; Lê Văn Lừng (nguyên cán bộ Chi cục hải quan Vân Phong, 8 năm) xin giảm hình phạt, giảm bồi thường thiệt hại; Mai Văn Khang (nguyên phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin thuộc Vinalines, 7 năm tù) xin giảm nhẹ hình phạt; Huỳnh Hữu Đức (nguyên phó cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong kiêm phó chánh văn phòng Cục hải quan Khánh Hòa, án 8 năm) xin giảm hình phạt, giảm bồi thường.
Riêng bị cáo Bùi Thị Bích Loan, nguyên kế toán trưởng Vinalines không kháng cáo, chấp nhận án phạt 4 năm.