Chiều dài trục nhãn cầu có cần thiết cho kiểm soát cận thị không?

06-01-2023 08:00 | Y học 360

Trục nhãn cầu là đường thẳng nối từ cực trước và cực sau của nhãn cầu. Chiều dài trục nhãn cầu và tiển triển cận thị có mối tương quan chặt chẽ. Cùng tìm hiểu về các thông số chiều dài trục nhãn cầu qua bài viết sau.

photo-1672730403752

Theo các chuyên gia nhãn khoa Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, con số thống kê về tỉ lệ cận thị trên thế giới rơi vào khoảng 25%, ở Việt Nam từ 14% - 40%, mức độ này có thể thay đổi từ thành thị đến nông thôn. Đáng chú ý, tỷ lệ này đang có xu hướng tăng, ước tính đến năm 2050 có khoảng 50% người mắc tật khúc xạ cận thị.

Cận thị xảy ra khi trục nhãn cầu quá dài hoặc hệ thống quang học của mắt hội tụ quá mạnh. Trong cả 2 trường hợp, vật được hội tụ trước võng mạc thay vì ở trên võng mạc (vùng cảm nhận ánh sáng ở phần sau của mắt) và hình ảnh nhìn thấy bị mờ. Cận thị xuất hiện càng sớm thì tốc độ tiến triển càng nhanh, độ cận có nguy cơ càng cao thì nguy cơ gặp các vấn đề thị giác sẽ càng nhiều.

Một khảo sát về độ dài trục nhãn cầu ở mắt cận thị và mắt bình thường cho thấy sự khác biệt rõ ràng. Trong khi độ dài trục nhãn cầu của người bình thường tuỳ theo độ tuổi trung bình là từ 22 - 25mm. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng mức độ cận càng cao thì trục nhãn cầu càng dài. Có những bạn cận thị cao trục nhãn cầu có thể lên đến 30-31mm. Như vậy có thể thấy chiều dài trục nhãn cầu là thông số cần thiết để xác định mức độ cận thị của mắt cũng như phỏng đoán nguy cơ tăng độ cận trong tương lai.

Chiều dài trục nhãn cầu được xác định bằng cách dùng thiết bị máy móc hiện đại. Hiện nay tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 đang sử dụng máy IOL master 700 để thực hiện đo chiều dài trục nhãn cầu cho người bệnh. Thông tin này không chỉ giúp đánh giá độ khúc xạ, xác định tốc độ tiến triển mà còn đánh giá được nguyên nhân tiềm ẩn của sự tăng trưởng đó dựa vào mức độ điều tiết.

photo-1672730431430

IOL Master là thiết bị sinh trắc học áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến trên thế giới với độ chính xác cao hơn hẳn so với các thiết bị cùng loại sau này. Thuật toán mới trong đo độ dài trục nhãn cầu và độ cong giác mạc được cải tiến làm tăng hiệu quả và độ chính xác. Ngoài chiều dài trục nhãn cầu, máy còn đo độ cong giác mạc, độ dày giác mạc, độ sâu tiền phòng, độ dày thủy tinh thể, khoảng cách White to White.

Để kiểm soát cận thị, có thể áp dụng phác đồ điều trị bằng kính hoặc bằng thuốc.

Phương pháp sử dụng kính áp tròng Ortho-K là một trong những phương pháp tiên tiến có tác dụng chỉnh hình giác mạc tạm thời. Kính chỉ cần đeo lên mắt trong khi ngủ (trung bình 6 -8 giờ mỗi đêm) và tháo ra khi thức dậy vào sáng hôm sau. Nhờ vậy vào ban ngày trẻ không cần đeo kính gọng mà vẫn nhìn rõ. Kính được thiết kế làm mỏng biểu mô giác mạc trung tâm, dày biểu mô vùng cạnh ngoại vi, có tác dụng giúp làm chậm phát triển chiều dài trục nhãn cầu. Do đó sẽ làm chậm tiến triển cận thị so với những trẻ đeo kính gọng thông thường.

Phương pháp kiểm soát tiến triển cận thị bằng thuốc Atropine nồng độ thấp (0.01%, 0.025%, 0.05%) cần được bác sĩ khám chỉ định cẩn thận, có phác đồ điều trị dài hạn và nhắc lịch tái khám để đem lại hiệu quả cao.

photo-1672730463941


PV
Ý kiến của bạn