Hà Nội

Chiều cao người Việt gần như thấp nhất Châu Á, suốt 25 năm chỉ tăng 3cm

01-06-2019 22:40 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Theo thống kê của Viện dinh dưỡng quốc gia, chiều cao của người Việt Nam gần như thấp nhất khu vực châu Á và chỉ tăng 3cm trong suốt thời gian dài 25 năm

Lượng tiêu thụ trung bình của người Việt chỉ đạt 27-28 lít sữa/người/năm

Ngày 1/6, Hiệp hội sữa Việt Nam, Ban tổ chức Triển lãm Quốc tế Ngành Sữa và Sản phẩm Sữa tại Việt Nam (Vietnam Dairy 2019) tổ chức chương trình “Lễ hội Sữa Việt Nam 2019” chào mừng Ngày Quốc tế Thiếu nhi và Lễ phát động hưởng ứng Ngày Sữa Thế Giới năm 2019 cùng các quốc gia trên toàn cầu tại TP. Hồ Chí Minh.

Năm nay, chủ đề được chọn hưởng ứng tại Việt Nam là “Niềm vui uống sữa ở trường” – “EnjoyDairy AtSchool” đây là chủ đề được Ban tổ chức phát động dựa trên thông điệp chung là EnjoyDairy của Ngày sữa thế giới 2019 trên toàn cầu do do Tổ chức Lương Thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) công bố.

Việc hình thành thói quen uống sữa đối với trẻ em là rất cần thiết

Chuỗi hoạt động này nằm trong những nỗ lực của của Ban tổ chức để nâng cao nhận thức về nguồn dinh dưỡng từ sữa cũng như tầm quan trọng của việc hình thành thói quen uống sữa đối với trẻ em Việt Nam, đặc biệt là trẻ em trong lứa tuổi học đường – giai đoạn vàng của sự phát triển thể chất và trí tuệ.

Phát biểu tại hoạt động PGS.TS Trần Quang Trung – Chủ tịch Hiệp Hội sữa Việt Nam cho biết, từ năm 2001,Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO) đã chọn ngày 1 tháng 6 hàng năm là Ngày Sữa Thế giới - World Milk Day nhằm ghi nhận những đóng góp quan trọng của ngành sữa đối với sự phát triển kinh tế bền vững và dinh dưỡng, sức khỏe của nhân loại. Ngày Sữa Thế giới là dịp để chúng ta hiểu rõ hơn các lợi ích của sữa đối với sức khỏe, cũng như những đóng góp to lớn của ngành sữa với nền  kinh tế  toàn cầu.

Mọi người dân Việt Nam đang tích cực tham gia hưởng ứng “Tháng hành động vì trẻ em” và Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019 – 2025 mà Chính phủ vừa  phê duyệt tại Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 17/5/2019; Đặc biệt ngày 28/5/2019 Bộ Y tế  đã phát động Ngày vi chất dinh dưỡng năm 2019 với  thông điệp “Vi chất dinh dưỡng giúp tăng trưởng, nâng cao tầm vóc, sức khỏe, trí tuệ và chất lượng cuộc sống”.

Ông Trung tin tưởng rằng hoạt động “Lễ phát động hưởng ứng Ngày Sữa Thế giới 01/6 - World Milk Dairy 2019” tại TP. Hồ Chí Minh” sẽ mang đến cho các em nhỏ một sân chơi với nhiều hoạt động vui chơi, giáo trí bổ ích và tạo ra trải nghiệm để các gia đình gắn kết với nhau hơn.

Theo báo cáo của Hiệp Hội Sữa Việt Nam 2018, mặc dù lượng tiêu dùng sữa được dự báo tăng 9-10% trong những năm tới, nhưng lượng tiêu thụ trung bình của người Việt chỉ đạt 27-28 lít sữa/người/năm. Con số này còn khá khiêm tốn so với mức tiêu thụ ở các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Nhật Bản và kém xa mức tiêu thụ 300 lít/người/năm ở châu Âu.

Những yếu tố nào ảnh hưởng đến chiều cao?

Theo thống kê của Viện dinh dưỡng quốc gia, chiều cao của người Việt Nam gần như thấp nhất khu vực châu Á và chỉ tăng 3cm trong suốt thời gian dài 25 năm (từ 1993 – 2018). Nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao cho thấy chỉ có 23% là do di truyền, 25% do tâm lý và môi trường sống, 20% rèn luyện thể lực, quan trọng nhất là chế độ dinh dưỡng chiếm đến 32%.

Trong đó, sữa đóng vai trò quan trọng trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày của trẻ giúp giảm thiểu tình trạng thiếu hụt canxi và các vi chất cần thiết.

Cần thường xuyên đo chiều cao của trẻ để điều chỉnh dinh dưỡng, rèn luyện thể lực cho trẻ

Tổ chức Lương Thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO), Chính phủ các nước phát triển như Mỹ và Châu Âu đều khuyến cáo sử dụng sữa hàng ngày như một phần của chế độ dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe.

Tại Châu Á, Nhật Bản là trường hợp thành công điển hình của việc bổ sung sữa vào khẩu phần ăn của trẻ như một phần không thể thiếu của chế độ dinh dưỡng hàng ngày thông qua chương trình Sữa Học Đường từ những năm 1963, đã giúp nâng chiều cao trung bình của người Nhật từ 1m50, thuộc loại thấp nhất châu Á, lên 1m72 như hiện nay. Không chỉ vậy, kết quả quan trọng chính là sự thay đổi nhận thức của người dân về thói quen sử dụng sữa để cung cấp những dưỡng chất cần thiết cho giai đoạn phát triển quan trọng.

Những thay đổi tích cực đang được kì vọng sẽ diễn ra ở Việt Nam, nơi thói quen uống sữa còn hạn chế và có nhiều trẻ em trong độ tuổi học đường gặp phải tình trạng suy dinh dưỡng cũng như thiếu hụt các vi chất cần thiết trong giai đoạn phát triển quan trọng.


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn