Chiêu an toàn để bé yêu không mắc bệnh thủy đậu

01-05-2014 16:51 | Y học 360
google news

SKĐS - Hiện nay, trong khi dịch sởi còn chưa lắng xuống thì các ca thủy đậu lại tăng đối với trẻ em. BS Ninh Hồng giới thiệu các biện pháp giúp bạn biết cách phát hiện, điều trị thủy đậu cho bé yêu nhà mình.

Hiện nay, trong khi dịch sởi còn chưa lắng xuống thì các ca thủy đậu lại tăng đối với trẻ em. BS Ninh Hồng giới thiệu các biện pháp giúp bạn biết cách phát hiện, điều trị thủy đậu cho bé yêu nhà mình.

Bệnh thủy đậu lây truyền từ người bệnh sang người lành

Bệnh thuỷ đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Varicella Zoster (VZV) gây ra. Bệnh gặp ở nhiều địa phương, mọi lứa tuổi, nhưng trẻ em thường mắc bệnh nhiều hơn người lớn và thường nhẹ hơn người lớn. Người là nguồn chứa virus VZV duy nhất. Thủy đậu lây truyền từ người bệnh sang người lành do tiếp xúc với bệnh phẩm từ các nốt ban ngứa, các nốt phỏng nước ở da, nước bọt, dịch tiết mũi họng của bệnh nhân, hay do hít phải các giọt nhỏ dịch tiết mũi họng của người bệnh khuyếch tán trong không khí. Thai phụ bị thủy đậu có thể lây truyền sang thai nhi qua rau thai và gây nên những dị tật bẩm sinh như teo chi, dị tật ở mắt, ở hệ thần kinh… Bệnh nhân thủy đậu có thể làm lây bệnh cho người lành trong thời gian từ 1-2 ngày trước khi phát ban cho đến khi các nốt phỏng nước trên da khô vẩy.

Những tổn thương do bệnh thủy đậu để lại trên da

Cần phát hiện bệnh sớm để bảo vệ trẻ em

Muốn bảo vệ trẻ em trước bệnh thủy đậu, cha mẹ hay người thân cần biết phát hiện bệnh sớm mới điều trị kịp thời cho trẻ và phòng bệnh hiệu quả cho trẻ khác. Khi trẻ bị nhiễm VZV sẽ trải qua 2 thời kỳ: thời kỳ ủ bệnh và thời lỳ phát bệnh.

Thời kỳ ủ bệnh từ 10-20 ngày, bệnh nhi không có biểu hiện gì.

Thời kỳ phát bệnh, bệnh nhi có các triệu chứng: mệt mỏi, sốt 37,8 -39,4oC trong 3-5 ngày. Trên da trẻ xuất hiện các tổn thương: dát sẩn, bọng nước và vảy ở các giai đoạn khác nhau. Tổn thương ban đầu là các dát sẩn, sau đó trở thành bọng nước từ vài giờ đến vài ngày, xuất hiện ở mặt rồi lan nhanh khắp cơ thể. Ban nhỏ đường kính 5-10mm, có đáy màu đỏ, đám ban nọ nổi kế tiếp đám kia sau 2 - 4 ngày. Tổn thương có ở cả niêm mạc vùng hầu họng và ở âm đạo ở trẻ gái. Trên thực tế có bệnh nhỉ chỉ có rất ít tổn thương, trái lại có những bệnh nhi khác lại có đến trên 2000 tổn thương tren da. So với bệnh nhân đầu tiên, các ca bệnh từ thứ hai trở lên trong gia đình hay nhóm trẻ sẽ có nhiều bọng nước hơn. Các bọng nước vỡ ra, khô lại thành vảy và bong vảy sau 5-10 ngày, các vảy này khi khỏi bệnh không để lại sẹo.

 

Hàng ngàn tổn thương trên da do thủy đậu

Các biến chứng

Nếu bệnh thủy đậu không được phát hiện và điều trị đúng, hoặc các trường hợp nhiễm bệnh nặng, cơ thể trẻ suy yếu hay chăm sóc kém, bệnh thủy đậu có thể gây ra các biến chứng nặng như :

Viêm da mủ do vi khuẩn liên cầu hay tụ cầu: rất đau da và ban tổn thương tiết ra chất dịch mầu xanh.

Viêm màng não, viêm não: bệnh nhi có dấu hiệu cổ cứng, buồn ngủ dai dẳng, hoặc thờ ơ. Ngoài ra còn có các biến chứng khác như : hội chứng mất điều vận tiểu não cấp tính và kích thích màng não, xuất hiện sau khi phát ban khoảng 21 ngày; viêm tuỷ cắt ngang, hội chứng Guiillain-Barré và hội chứng Reye…

Viêm phổi do virus thuỷ đậu là biến chứng nguy hiểm nhất: bệnh nhi thở nhanh, khó thở, ho và sốt, tím tái, đau ngực và ho ra máu.

Các biến chứng khác là : viêm cơ tim, viêm giác mạc, viêm thận, viêm khớp, chảy máu nội tạng, viêm cầu thận cấp, viêm gan…

Chăm sóc và điều trị

Các bậc cha mẹ cần bình tĩnh khi có con bị thủy đậu vì bệnh thường diễn biến nhẹ và tự khỏi, nên có thể điều trị tại nhà và chủ yếu là điều trị triệu chứng.

Bạn cần xắp xếp cho bệnh nhi được nằm trong phòng riêng, thoáng khí. Cho bệnh nhi xúc miệng bằng nước muối sinh lý 9%o để vệ sinh mũi họng; tắm rửa hằng ngày bằng nước ấm trong phòng tắm kín gió. Nếu trẻ nhỏ bị bệnh, bạn phải cắt móng tay cho trẻ, đeo bao tay vải để trẻ khỏi gãi trầy xước các nốt phỏng làm nhiễm khuẩn da. Có thể dùng dung dịch xanh Milan chấm lên các nốt phỏng nước đã vỡ, cho trẻ dùng các thuốc an thần, thuốc hạ nhiệt, giảm đau. Thay tã cho trẻ thường xuyên để các mụn nước được khô và đóng vẩy. Hạ sốt bằng paracetamol, không dùng aspirin cho trẻ mắc bệnh thủy đậu.

Phòng bệnh

Cần phát hiện bệnh sớm, cách li bệnh nhi để tránh lây lan cho người thân và cộng đồng, thời gian cách ly từ lúc bắt đầu phát ban cho đến khi các nốt phỏng nước khô vảy hoàn toàn. Bệnh nhi phải sử dụng đồ dùng riêng như khăn mặt, chăn, màn, gối, bát đũa, cốc chén… Người chăm sóc bệnh nhân, phải đeo khẩu trang để tránh bị nhiễm bệnh. Nếu là phụ nữ đang mang thai phải tuyệt đối tránh tiếp xúc với bệnh nhi để tránh lây bệnh và gây dị dạng thai nhi.

Tiêm chủng vaccin là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh. Trẻ em cần tiêm phòng vaccin 2 liều để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh. Vacxin phòng bệnh thủy đậu hiện có ở các cơ sở y tế trong cả nước, nên các bậc phụ huynh nên sớm đưa trẻ đến các bệnh viện, các trung tâm y tế dự phòng quận huyện để tiêm phòng thủy đậu.

BS. Ninh Hồng


Ý kiến của bạn