Hà Nội

Chiều 6/5, tròn 20 ngày không có ca COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng, 22 ca âm tính từ 1 lần trở lên

06-05-2020 18:12 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bản tin lúc 18h00 ngày 6/5 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, đến nay đã tròn 20 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Hiện trong số các ca bệnh đang điều trị đã có 22 ca âm tính từ 1 lần trở lên với virus SARS-CoV-2

Số ca mắc:

- Tính từ 6h ngày 16/4 đến 18h ngày 6/5: như vậy đã tròn 20 ngày Việt Nam không có ca mắc mới do lây nhiễm trong cộng đồng.

- Tính đến 18h ngày 6/5: Việt Nam có tổng cộng 131 ca mắc được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Ca mắc COVID-19 mới nhất ở Việt Nam chiều ngày 3/5 là chuyên gia dầu khí người Anh, cũng được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, do đó, không có yếu tố lây nhiễm trong cộng đồng.

- Tính từ 6h đến 18h ngày 6/5: 0 ca mắc mới.

Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 34.097, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 245

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 10.293

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 23.559

Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị- Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này, trong số 271 ca bệnh COVID-19, Việt Nam đã chữa khỏi/cho xuất viện 232 bệnh nhân COVID-19, chiếm 86% tổng số ca bệnh COVID-19 ở nước ta.

Hiện 39 bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại các cơ sở y tế tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Đa số các bệnh nhân đều có sức khoẻ ổn định.

Về sức khoẻ của các bệnh nhân COVID-19 nặng là BN161 và BN19 hiện đang tiến triển tốt lên. Cả hai bệnh nhân này hiện đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

BN161: Hiện đang chuyển trạng thái hồi phục, có dấu hiệu sinh tồn ổn định, bệnh nhân đã ăn uống được, đang tiếp tục tập phục hồi chức năng. Kết thúc giai đoạn điều trị COVID-19, tiếp tục điều trị phục hồi tai biến mạch não

BN19: Bệnh nhân hồi phục tốt, chuyển từ tình trạng nguy kịch sang tình trạng nặng. Bệnh nhân này đã cai thở máy từ ngày 4/5/2020, đáp ứng tốt. Bệnh nhân đã tỉnh và giao tiếp tốt, trong ngày không sốt.

Riêng bệnh nhân 91 là nam phi công người Anh đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh hiện vẫn đang trong tình trạng rất nguy kịch.

Tiểu Ban Điều trị cũng cho biết, tính đến chiều ngày 6/5, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ, hiện đã có 16 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 và 6 bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2

Thông tin về các ca bệnh COVID-19 tái dương tính sau khi khỏi bệnh, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 diễn ra sáng ngày 6/5, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế cho biết, sau khi nuôi cấy, theo dõi, tất cả các ca tái dương tính tại Việt Nam đều chưa thấy dấu hiệu lây cho người khác, không gây nguy hiểm cho cộng đồng, tuy nhiên, Bộ Y tế theo dõi chặt chẽ các trường hợp này.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu- nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn cấp ao Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế Việt Nam cho rằng, đây không phải là tình trạng riêng của Việt Nam nhưng hiện trên thế giới cũng chưa ghi nhận các trường hợp lây nhiễm COVID-19 từ những người dương tính lại

Tại cuộc họp này, Ban Chỉ đạo thống nhất nhận định: Đến giờ phút này chúng ta kiểm soát tốt dịch bệnh, phải quay lại cuộc sống, sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt trong một trạng thái bình thường mới.
Tuy nhiên diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới rất phức tạp, căng thẳng mỗi ngày xuất hiện hàng chục ngàn ca nhiễm mới, hàng nghìn người chết. Có thể ví von Việt Nam như ở trong “cánh đồng trũng, ở bên ngoài nước thì nước cao, sóng lớn”, do vậy trước tiên chúng ta phải “bao đê cho chặt”, giữ đê cho chắc, nghĩa là phải tiếp tục chính sách quản lý chặt chẽ người nhập cảnh để bảo đảm an toàn, mới có thể nới được ở bên trong để thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch bệnh vừa bảo đảm phát triển kinh tế xã hội.

Đối với trong nước, Ban Chỉ đạo yêu cầu toàn bộ cơ chế liên ngành (quân đội, công an, y tế, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ) không được nơi lỏng. Tiếp tục củng cố tất cả các cơ chế, các công cụ, nhất là các công cụ công nghệ thông tin, để luôn luôn trong trạng thái sẵn sàng nếu có một ca nhiễm nào đó trong cộng đồng thì chúng ta lập tức phát hiện được ngay, chúng ta cách ly ngay, chúng ta khoanh, chúng ta dập ngay.

Ban Chỉ đạo cho rằng, với hai điều kiện trên, chúng ta tiến hành nới lỏng các biện pháp đã giới hạn từ trước đến nay một cách có khoa học.



Ý kiến của bạn