Hà Nội

Chiều 4/12, tròn 24h Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19

04-12-2020 18:03 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Chiều ngày 4/12, Bản tin của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19 cho biết, không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Như vậy đã tròn 24h qua, Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19 nào, hiện vẫn 1.361 bệnh nhân.

Số ca mắc ở Việt Nam:

- Tính đến 18h ngày 04/12: Việt Nam có tổng cộng 693 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay: 553 ca.

- Tính từ 18h ngày 03/12 đến 18h ngày 04/12: 0 ca mắc mới.

Như vậy đã tròn 24h qua, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19.

Theo sổ tay Hướng dẫn thực hành truy vết người tiếp xúc với người có xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính do Bộ Y tế vừa ban hành, F1 là người có tiếp xúc gần trong vòng 2 m với ca bệnh xác định trong khoảng thời gian từ 3 ngày trước khi khởi phát của ca bệnh cho đến khi ca bệnh được cách ly y tế.

Khởi phát của ca bệnh được tính là ngày có triệu chứng bất thường đầu tiên về sức khỏe mà bệnh nhân cảm nhận được, có thể là một trong các triệu chứng sau: sốt, mệt mỏi; đau người, gai người ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác, khứu giác; sốt; ho; đau họng... Nếu là người lành mang trùng (người không có bất cứ triệu chứng gì) thì ngày khởi phát được tính là ngày lấy mẫu bệnh phẩm có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

F2 là người tiếp xúc gần trong vòng 2 m với F1 trong khoảng thời gian từ ngày đầu tiên F1 tiếp xúc với ca bệnh (kể từ 3 ngày trước khi ca bệnh khởi phát) cho đến khi F1 được cách ly y tế.

Mốc dịch tễ là địa điểm, sự kiện mà ca bệnh đã đi đến hoặc đã tham gia trong khoảng thời gian từ 3 ngày trước khi khởi phát bệnh cho đến khi bệnh nhân được cách ly y tế.

Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 17.238, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 165

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 17.238

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 1.613.

Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19:

Có 11 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh: BN1305-BN1262-BN1263-BN1215-BN1275-BN1277-BN1171-BN1260-BN1261-BN1264-BN1265

Như vậy, đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 1.220 bệnh nhân/ 1.361 bệnh nhân COVID-19

Tiểu ban Điều trị cũng cho biết đến thời điểm này nước ta không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng.

Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2: 5 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 4 ca, số ca âm tính lần 3 là 2 ca.

Số ca tử vong liên quan đến COVID-19 ở nước ta đến nay là 35 ca, đây là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01)

Đến chiều 4/12, thế giới hiện ghi nhận hơn 65,6 triệu ca và hơn 1,5 triệu trường hợp tử vong do COVID-19 tại 220 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch. Ngày 3/12 là lần đầu nước này ghi nhận hơn 100.000 ca nhập viện trong vòng 24 giờ kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề tiếp theo là Ấn Độ, Brazil. Brazil đang siết chặt hơn các hạn chế tại bang Sao Paulo nhằm ngăn chặn sự gia tăng các trường hợp COVID-19 mới.

Tại Châu Âu, mặc dù nhiều nước đã triển khai thêm nhiều biện pháp chống dịch, song số ca mắc COVID-19 và tử vong vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Tuần qua, tỷ lệ lây nhiễm mới ở hầu hết các bang của Đức đều vượt ngưỡng 50 ca/100.000 dân khiến Thủ tướng nước này quyết định sẽ gia hạn các biện pháp bán phong tỏa trên toàn quốc đến ít nhất là ngày 10/1. Tính đến thời điểm này, Đức đã ghi nhận hơn 1,1 triệu ca nhiễm và hơn 18.000 ca tử vong do COVID-19.

Trong khi đó tại Tây Ban Nha, chính phủ đã ra thông báo nới lỏng một phần các quy tắc hạn chế do COVID-19 trong dịp lễ Giáng sinh và Năm mới.

Khu vực Châu Á, đứng sau Ấn Độ về số trường hợp mắc lần lượt là Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại Đông Nam Á, trong 24 giờ qua vẫn có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Trong đó, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực, tiếp theo là Philippines và Singapore.



Thái Bình
Ý kiến của bạn