46 tỉnh, thành phố đã bao phủ đủ liều vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12- 17 tuổi
Cập nhật trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 cho thấy, đến 14h30 ngày 24/1, Việt Nam đã tiêm gần 176,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19, trong đó ngày 22/1, cả nước đã tiêm hơn 530.000 liều vaccine.
Tính đến ngày 23/1, số liều vaccine phòng COVID-19 tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 160.097.231 liều, trong đó mũi 1 là 70.489.905 liều; mũi 2 là 67.882.931 liều ; Mũi bổ sung là 7.598.066 liều và mũi 3 là 14.126.329 liều
Đến nay, 48/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 trên 90%; 14/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 80 – dưới 90%; 01/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 dưới 80% là Sơn La (79,1%).
Số liều vaccine phòng COVID-19 đã tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 15.801.219 liều, trong đó mũi 1 là 8.375.821 liều; mũi 2 là 7.425.398 liều.
Đến nay, 46 tỉnh, thành phố đã cơ bản bao phủ đủ liều cơ bản cho nhóm tuổi từ 12-17 là Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hòa Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lai Châu, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kon Tum, Đắk Nông, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bình Phước, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang
Bộ Y tế đề nghị các địa phương hoàn thiện tiêm đủ liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên trong tháng 01/2022 và liều bổ sung, liều nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên theo Công văn 10722/BYT-DP ngày 17/12/2021 về tiêm vaccine phòng COVID-19 liều cơ bản và liều nhắc lại trong Quý I/2022; rà soát không để bỏ sót đối tượng chưa được tiêm chủng và đối tượng chưa được tiêm đủ liều vaccine; sau khi rà soát, khẩn trương tiêm đủ liều cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên; bảo đảm an toàn trong tiêm chủng.
Số ca tử vong do COVID-19 giảm, tiếp tục tập trung nâng cao năng lực điều trị, giảm nguy cơ F0 chuyển nặng và tử vong
Thông tin của Bộ Y tế cho biết ngày 23/1 có 123 ca tử vong do COVID-19. Có thể thấy đây là số mắc và số tử vong trong ngày thấp nhất trong khoảng 1 tháng vừa qua. Đặc biệt tại TP HCM ngày 23/1 chỉ ghi nhận 6 ca tử vong (trong đó có 2 ca chuyển viện từ tỉnh thành khác đến).
Theo Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia, so với trung bình 7 ngày trước, số ca mới ngày 23-1 giảm 24,1%, số tử vong giảm 8,8%, số đang điều trị giảm 208,5%, số ca nặng giảm 16,2%.
So sánh tuần này với tuần trước, Tiểu ban điều trị cho biết số mắc mới giảm 5,4%, số tử vong giảm 16,7%, số khỏi bệnh giảm 12,1%, số ca nặng, nguy kịch giảm 12,3%...
Hiện địa phương có nhiều ca nặng nhất vẫn là TP HCM, tiếp theo là Hà Nội, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Bến Tre.
Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng cảnh báo, "cuộc chiến" phòng COVID-19 vẫn còn kéo dài; đáng lo ngại là sự xuất hiện của biến chủng Omicron, nếu biến thể mới này lan tràn sẽ dẫn đến nguy cơ quá tải hệ thống y tế.
Vì vậy, thời gian tới vẫn tập trung công tác phòng chống dịch; nâng cao năng lực điều trị, giảm nguy cơ các ca mắc COVID-19 chuyển nặng và tử vong. Đồng thời, có phương án sẵn sàng các trạm y tế lưu động tại các địa bàn khi dịch diễn biến phức tạp.
Bộ Y tế cũng nỗ lực bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư cho điều trị; bảo đảm tất cả mọi người nhiễm virus SARS-CoV-2 đều được quản lý, chăm sóc y tế phù hợp, được tiếp cận dịch vụ y tế nhanh và sớm ngay tại địa bàn.
Đồng thời, đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, không để sót người có bệnh nền, tuổi cao; nhất là việc hoàn thành tiêm phủ mũi 3.
Các ca mắc COVID-19 nhiễm biến chủng Omicron tại cộng đồng ở TP HCM có nguồn lây từ ca nhập cảnh
Lãnh đạo Sở Y tế TP HCM cho biết, kết quả giải mã trình tự gene xác định các ca mắc COVID-19 nhiễm biến chủng Omicron tại TP HCM đều liên quan bệnh nhân nhập cảnh từ Mỹ ngày 7/1/2022.
Cụ thể, người phụ nữ nhập cảnh nhiễm Omicron là chị N.T.N.P., 41 tuổi, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ tại phường 17, quận Bình Thạnh. Chị P. đã tiêm 3 mũi vaccine phòng COVID-19, được cách ly sau nhập cảnh tại Nha Trang, sau đó xét nghiệm dương tính khi về TP HCM. 3 người thân có tiếp xúc với chị P. sau đó được xác định nhiễm biến chủng Omicron.
Hai trường hợp mới có kết quả giải mã trình tự gene nhiễm biến chủng Omicron đều là nam và có mối liên hệ với các bệnh nhân nhiễm Omicron trước đó.
Cụ thể, trường hợp thứ nhất là bệnh nhân 25 tuổi, ở phường 17 (quận Bình Thạnh), em họ của bệnh nhân khác sống tại khu chung cư thương mại dịch vụ ở quận 11. Bệnh nhân này đã tiêm 2 mũi vaccine.
Từ ngày 28/12, người này được giới thiệu làm bảo vệ tại nhà của bệnh nhân nhập cảnh ở Bình Thạnh.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân 28 tuổi, là bác sĩ khoa cấp cứu của một bệnh viện. Người này sống cùng nhà với bệnh nhân ở khu chung cư thương mại dịch vụ tại quận 11, đã tiêm đủ 3 liều vaccine.
Như vậy liên quan ca nhập cảnh, hiện có đến 5 trường hợp nhiễm biến chủng Omicron tại TP HCM. Với các dữ liệu này, bước đầu có cơ sở để đánh giá các ca nhiễm biến chủng Omicron tại cộng đồng vừa được phát hiện ở TP HCM có nguồn lây từ ca nhập cảnh.
Bên cạnh đó, hiện tất cả F1 và F2 khác liên quan đều có kết quả âm tính.
Quảng Bình: Có thêm 167 ca mắc COVID-19, trong đó 96 ca cộng đồng
TTheo thông tin tổng hợp từ Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, trong 24 giờ qua (từ 6 giờ ngày 23/01/2022 đến 6 giờ ngày 24/01/2022), Quảng Bình ghi nhận thêm 167 ca mắc COVID-19, trong đó có 96 ca cộng đồng, 71 ca trong khu cách ly.
Đến nay tổng số ca COVID-19 của Quảng Bình là 5.701 ca; tổng số ca khỏi là 4.579; toàn tỉnh hiện có 647 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại nhà; 403 ca đang điều trị tại bệnh viện; 7 trường hợp tử vong.
Hiện 97,87 % người trên 18 tuổi ở Quảng Bình đã tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1; mũi 2 là 92,78%; Có 96,25% người trên 50 tuổi tại Quảng Bình tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19; Hiện tỷ lệ tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình là 93,69%; tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi là 75,24%.