Hơn 70% số ca tử vong do COVID-19 là người cao tuổi, có bệnh nền, chưa tiêm vaccine
Đến nay, Việt Nam ghi nhận 2.110.737 ca mắc COVID-19, tổng số ca được điều trị khỏi: 1.797.180 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 36.443 ca, chiếm tỷ lệ 1,7% so với tổng số ca nhiễm.
Theo thống kê sơ bộ của Bộ Y tế, số tử vong trên cả nước do COVID-19 đã giảm từ khoảng 300-350 ca/ngày (thời kỳ đỉnh dịch) còn trên 200 ca/ngày.
Chủ yếu trong số này là người mắc bệnh nền, cao tuổi, trong đó phần lớn (trên 70%) là người chưa tiêm vaccine. Số ca bệnh nặng giảm sâu (giảm 2/3) so với thời kỳ đỉnh dịch hồi tháng 8, 9/2021.
Bộ Y tế nhận định trong giai đoạn bình thường mới, việc điều trị Covid-19 đã thích ứng linh hoạt và thay đổi các chiến lược điều trị và cập nhật hướng dẫn điều trị qua 7 phiên bản.
Đến nay, Việt Nam cơ bản đã đảm bảo kịp thời nhu cầu đối với các loại thuốc hỗ trợ, điều trị COVID-19. Riêng đối với thuốc kháng virus, thời gian qua, Bộ Y tế đã cấp Remdesivir, Favipiravir và Molnupiravir theo nhu cầu đề xuất của các địa phương.
Bỏ kiểm tra giấy xét nghiệm và tiêm đủ vaccine phòng COVID-19 đối với khách đi máy bay
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn vừa ký công văn số 682 gửi đến Cục Hàng không Việt Nam, các hãng bay và sân bay về việc điều chỉnh tiêu chuẩn, điều kiện hành khách, tổ bay trên các chuyến bay chở khách thường lệ.
Trong đó, nội dung đáng chú ý từ ngày 21/1, Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh điều kiện đối với hành khách đi lại bằng hàng không sẽ không yêu cầu có giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc có giấy chứng nhận khỏi bệnh và giấy xét nghiệm.
Trường hợp khách cư trú, lưu trú trước chuyến bay tại địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) thì yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm âm tính bằng PCR hoặc xét nghiệm nhanh có giá trị trong 72 giờ trước thời điểm bay.
Đối với tổ bay là phi công, tiếp viên sẽ bỏ quy định xét nghiệm trước khi thực hiện chuyến bay nội địa.
Như vậy, với quy định trên đã nới lỏng thủ tục đi lại của hành khách, đặc biệt là trẻ em dưới 12 tuổi sẽ không còn phải có giấy xét nghiệm âm tính như trước đó.
Cùng đó, hành khách phải thực hiện khai báo y tế theo quy định, sử dụng ứng dụng PC-COVID, chịu trách nhiệm tính trung thực của các thông tin khai báo.
Hành khách không được tham gia chuyến bay khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng, mất vị giác….
Tổ bay cần thực hiện các tiêu chuẩn, điều kiện tại Quyết định số 1840 của Bộ trưởng Bộ GTVT (trừ điều kiện có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên có giá trị trong vòng 7 ngày kể từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm đến trước khi làm nhiệm vụ trên tàu bay).
TP HCM đã 3 tuần liên tiếp là 'vùng xanh', chỉ còn 1 huyện 'vùng vàng'
Ngày 22/1, UBND TP HCM có thông báo về cấp độ dịch trên địa bàn TP HCM theo nghị quyết 128 của Chính phủ và quyết định 4800 của Bộ Y tế đến ngày 20/1/2022.
Theo đó, toàn địa bàn TP HCM vẫn đạt cấp độ 1, tương đương là 'vùng xanh'. Như vậy đây là tuần thứ 3 liên tiếp TP HCM trở thành 'vùng xanh'.
Ở cấp quận huyện, chỉ còn huyện Nhà Bè có cấp độ 2, tương đương 'vùng vàng'; các quận, huyện còn lại đều đã đạt cấp độ 1. Như vậy, tuần này không có quận huyện tăng cấp độ dịch. Có 2 địa phương giảm từ cấp 2 xuống cấp 1 là Quận 1 và huyện Cần Giờ.
Ở cấp phường xã, có 276 địa phương cấp độ 1, 36 địa phương cấp độ 2. So với tuần trước có 30 phường xã giảm cấp độ dịch và 6 phường xã tăng cấp độ dịch.
Thống kê cho thấy từ ngày 14/1- 20/1, TP HCM ghi nhận 1.802 ca mắc COVID-19, giảm so với tuần từ ngày 7/1-13/1 là 3.122 ca.
Đến ngày 21/1, đã có 100% người từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn TP HCM đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng COVID-19. Tỉ lệ người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ vaccine là hơn 88%.
Cứu sống sản phụ 19 tuổi mắc COVID-19 ngưng tim nguy kịch
Khi đang mang thai ở tuần thứ 27, chị N.T.T. (sinh năm 2003, ở Bà Rịa - Vũng Tàu) không may mắc COVID-19. Sản phụ nhập viện ngày 6/12 với tiền sử chưa tiêm vaccine. Những ngày sau đó, tình trạng của bệnh nhân tiến triển xấu dần, thai bị lưu. Các bác sĩ hội chẩn và quyết định mổ lấy thai để cứu người mẹ.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được hồi sức tích cực, sử dụng thêm các loại thuốc: kháng đông, kháng viêm, giãn cơ và an thần liều cao, tiến hành lọc máu liên tục, kết hợp lọc máu hấp phụ và được chăm sóc cấp 1. Tuy nhiên, người bệnh sau đó có biểu hiện suy đa tạng: suy tim, suy thận và suy hô hấp, tiến triển rất nặng.
BS Đặng Văn Sỹ, Bệnh viện Phụ sản TW đang hỗ trợ điều trị tại Cơ sở 4 điều trị bệnh nhân COVID-19, Bệnh viện Vũng Tàu chia sẻ, sản phụ T. đã nhiều lần tưởng chừng không qua được cơn nguy kịch. "Thậm chí, có những lúc bệnh nhân đã ngưng tim, nhưng chúng tôi luôn tự nhủ: dù chỉ còn 1% hy vọng vẫn phải cố gắng đến cùng, phải nỗ lực cấp cứu để giành giật sự sống cho người bệnh", bác sĩ Sỹ cho hay.
Trong quá trình chăm sóc, các điều dưỡng luôn theo dõi 24/24h để có sự điều chỉnh kịp thời, giúp bệnh nhân hồi phục tốt nhất. Sau nhiều ngày điều trị và chăm sóc tích cực, tới ngày 5/1, chị T. được rút ống nội khí quản.
"Đến thời điểm này, bệnh nhân đã hồi phục tốt, qua giai đoạn nguy hiểm và tiếp tục chế độ chăm sóc đặc biệt. Chúng tôi vui mừng khi đã chung sức cứu sống một sản phụ mắc COVID-19 ở thể nặng"- BS Sỹ thông tin.