Cả nước đã tiêm hơn 201,8 triệu liều vaccine phòng COVID-19
Thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 cho biết đến nay cả nước đã tiêm hơn 201,8 triệu liều vaccine phòng COVID-19.
Số vaccine phòng COVID-19 tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 184.666.030 liều, trong đó mũi 1: 70.943.531 liều; Mũi 2: 69.369.026 liều; Mũi bổ sung: 14.642.702 liều và Mũi 3: 29.710.771 liều.
Đến nay đã có 47/63 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ bao phủ mũi 2 vaccine phòng COVID-19 trên 95%; Còn 16/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 90% đến dưới 95%.
Số vaccine phòng COVID-19 đã tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.064.397 liều, trong đó mũi 1: 8.751.554 liều; Mũi 2: 8.312.843 liều.
Đến nay đã có 57/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 vaccine phòng COVID-19 trên 90%; Còn lại 6/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 dưới 90%.
Bộ Y tế cho biết, một số hoạt động trọng tâm của Bộ trong là triển khai thực hiện nghiêm túc Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 năm 2022-2023, trong đó tập trung chủ yếu các nội dung bảo đảm đạt tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 và chủ động cung ứng vaccine;
Triển khai tiêm vaccine thần tốc để hoàn thành việc tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi (trừ các đối tượng chống chỉ định và chưa tới thời gian tiêm) trong quý I/2022; hoàn thành việc tiêm mũi thứ 2 cho người từ 12-17 tuổi trong tháng 3/2022; chuẩn bị tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi; nghiên cứu việc tiêm mũi thứ 4 và các cháu dưới 5 tuổi…
Bảo đảm đủ vaccine và hoàn thành tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi trước tháng 9/2022
Theo Nghị quyết số 38/NQ-CP về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 hướng đến mục tiêu bảo đảm đạt tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19, bảo đảm đủ vaccine và hoàn thành tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi trước tháng 9/2022; nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt y tế dự phòng và y tế cơ sở; tăng cường đầu tư trang thiết bị cơ sở y tế, có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp với những người làm nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở; tăng cường chất lượng cấp cứu và hồi sức tích cực ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.
Tất cả các đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, người có bệnh nền, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, người không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, đồng bào dân tộc thiểu số, nhóm lao động di cư ở các thành thị… đều được bảo đảm tiếp cận các dịch vụ y tế.
Theo Bộ Y tế, đến nay dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Số mắc tiếp tục tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố chủ yếu do biến thể BA.2 của biến chủng Omicron làm lây lan nhanh hơn, tuy nhiên ít tăng số ca nặng hơn. Do tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là đã có sự chăm sóc đối tượng nguy cơ cao nên tỷ lệ tử vong/mắc trên phạm vi toàn quốc giảm sâu.
Người khỏi bệnh vẫn có khả năng tái nhiễm, do vậy cần tiếp tục hoàn thành tiêm vaccine mũi 3; triển khai các biện pháp ưu tiên quản lý, bảo vệ nhóm đối tượng nguy cơ cao; tăng cường năng lực cách ly, chăm sóc, điều trị quản lý người mắc COVID-19 tại nhà; nhất là thực hiện nghiêm thông điệp "5K + vaccine + thuốc điều trị + công nghệ + đề cao ý thức người dân và các biện pháp khác" là rất quan trọng trong việc kiểm soát ca lây nhiễm, hạn chế ca tăng nặng, tử vong..
F0 điều trị tại nhà phải được cấp ngay túi thuốc COVID-19
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Giám đốc Sở Y tế và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chấn chỉnh, khắc phục hạn chế, yếu kém trong quản lý, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà. Trong đó có nội dung, đối với các trường hợp F0 khi đủ điều kiện cách ly điều trị tại nhà, là phải cấp ngay túi thuốc điều trị COVID-19.
Trong trường hợp không phát thuốc khi có chỉ định của cán bộ y tế hoặc vì lý do khách quan thì phải tư vấn, giải thích rõ cho người dân hiểu.
Thuốc điều trị COVID-19 tại nhà phải đúng chỉ định của ngành y tế, khắc phục ngay tình trạng để người dân tự mua thuốc hoặc các F0 chia sẻ đơn thuốc với nhau trong điều trị. Bên cạnh đó, cần làm tốt hơn nữa việc liên hệ, kết nối điện thoại để F0 được chuyên gia tư vấn, cho toa thuốc điều trị kịp thời...
Tình hình dịch COVID-19 tại một số địa phương
Theo thông tin tổng hợp từ Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Bình, trong 24 giờ qua (từ 6 giờ ngày 20/3/2022 đến 6 giờ ngày 21/3/2022), Quảng Bình ghi nhận thêm 2.882 ca nhiễm COVID-19, trong đó 2.377 ca cộng đồng.
Tổng số ca mắc COVID-19 của Quảng Bình là 83.401 ca, trong đó 55.272 ca đã khỏi. Hiện tại, có 27.124 F0 đang điều trị tại nhà; 67 trường hợp tử vong.
Sáng 21/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An thông tin, trong 12 giờ qua (từ 18h00 ngày 20/03/2022 đến 06h00 ngày 21/3/2022), Nghệ An ghi nhận 2.960 ca dương tính mới với COVID-19. Trong đó, có 783 ca cộng đồng, 2.177 ca đã được cách ly từ trước.
Các địa phương có số BN cao nhất trong 12 giờ qua là TP. Vinh, Diễn Châu, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, Quỳ Hợp... Số ca tử vong trong 12 giờ qua là 02 BN (BN trên 70 tuổi, có bệnh nền).
Tổng ca COVID-19 từ đầu mùa dịch đến nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An là 353.251; trong đó số ca điều trị đã khỏi bệnh, ra viện: 264.576 trường hợp; ghi nhận 155 trường hợp tử vong. Số F0 hiện đang điều trị là 88.520 người.