57 tỉnh, thành phố tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi trên 90%
Thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 đến 13h30 ngày 12/3 cho biết cả nước đã tiêm gần 200 triệu liều vaccine phòng COVID-19 (199,963,718 liều vaccine), trong đó ngày 11/3, cả nước tiêm 668.126 liều vaccine.
Số vaccine phòng COVID-19 tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên tính đến ngày 11/3 là 182.227.367 liều, trong đó mũi 1: 70.893.932 liều; Mũi 2: 69.243.173 liều ; Mũi bổ sung: 14.413.543 liều; Mũi 3: 27.676.719 liều
Đến nay 62/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 vaccine phòng COVID-19 trên 90%; chỉ còn 1 địa phương có tỷ lệ bao phủ mũi 2 dưới 90%.
Về số liều vaccine phòng COVID-19 tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.050.225 liều, trong đó mũi 1: 8.746.613 liều; Mũi 2: 8.303.612 liều.
Đế nay 57/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 vaccine phòng COVID-19 trên 90%; hiện còn 6/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 dưới 90%.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, bảo đảm tiến độ tiêm vaccine; tăng cường vận động người dân tiêm vaccine, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để tránh bỏ sót;
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh rà soát và tổ chức tiêm liều cơ bản và liều bổ sung cho người trên 50 tuổi, người có bệnh nền đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở;
Sau khi đã tiêm đủ liều cơ bản thì triển khai tiêm liều bổ sung và liều nhắc lại theo thứ tự ưu tiên; chủ động tiếp cận trước các nguồn vaccine cho trẻ em dưới 12 tuổi (trước mắt là vaccine Pfizer theo đa số quốc gia trên thế giới).
Do tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là đã có sự chăm sóc đối tượng nguy cơ cao nên tỷ lệ tử vong/mắc trên phạm vi toàn quốc giảm sâu (ngày 1/2 là 0,9% và ngày 03/3 là 0,1%). Vì vậy việc tiêm chủng phải được coi là ưu tiên hàng đầu.
Trẻ mắc COVID-19 tăng, Sở Y tế TP HCM yêu cầu các bệnh viện chuẩn bị giường điều trị
Ngày 12/3, Sở Y tế TP HCM đã có văn bản khẩn gửi các bệnh viện công lập và ngoài công lập; Trung tâm Y tế quận, huyện, TP Thủ Đức và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật về việc sẵn sàng thu dung điều trị trẻ em mắc COVID-19 tại các bệnh viện.
Theo Sở Y tế TP HCM, trong những ngày gần đây, trên địa bàn thành phố ghi nhận số lượt trẻ đến khám tại các bệnh viện nhi do nghi ngờ mắc COVID-19 có xu hướng tăng. Theo báo cáo của các bệnh viện nhi, đặc điểm chung của những trẻ mắc COVID-19 là sốt, ho, đau đầu và rất ít các trường hợp có dấu hiệu nặng.
Để chủ động ứng phó với tình huống số mắc ở trẻ em tăng cao, Sở Y tế TP yêu cầu các bệnh viện, gồm Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng TP tăng số giường điều trị tại khoa COVID-19 lên tối thiểu 300 giường (trong đó có 50 giường hồi sức).
Các bệnh viện quận, huyện và bệnh viện đa khoa có khoa nhi chủ động chuẩn bị cơ số giường nội trú ở khu vực điều trị COVID-19 tối thiểu 30% - 50% tổng số giường dành để điều trị cho trẻ em mắc COVID-19 tại bệnh viện.
Sở Y tế TP lưu ý các bệnh viện này chỉ chuyển tuyến trong các trường hợp trẻ có dấu hiệu chuyển nặng, hội chẩn với bệnh viện nhi tuyến trên trước khi chuyển viện. Tăng cường công tác hội chẩn từ xa, trao đổi chuyên môn, chuyển tuyến theo đúng cụm điều trị đã được phân công.
Tiếp tục cử nhân sự tham gia lớp tập huấn điều trị trẻ em mắc COVID-19 và tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Báo cáo số liệu trẻ em điều trị COVID-19 hằng ngày của đơn vị lên "nền tảng số quản lý COVID-19 tại TP HCM" của Sở Y tế TP.
Sở Y tế TP HCM giao Bệnh viện Nhi đồng 1 làm đầu mối tổ chức họp Tổ chuyên gia điều trị COVID-19 ở trẻ em của 3 bệnh viện nhi, thống nhất và có văn bản tham mưu cho Sở Y tế cập nhật chỉ định xét nghiệm, sàng lọc ở trẻ em khi đến khám tại bệnh viện để phù hợp với giai đoạn hiện nay của dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng đề nghị các bệnh quận, huyện và bệnh viện đa khoa có chuyên khoa nhi tổ chức khám sàng lọc, điều trị cho trẻ em mắc COVID-19 theo hướng dẫn đoán và điều trị COVID-19 ở trẻ của Bộ Y tế; sẵn sàng thu dung các trường hợp trẻ em mắc COVID-19 ở mức độ trung bình và mức độ nhẹ đối với trẻ không đủ điều kiện cách ly tại nhà; đồng thời tiếp tục tăng cường hội chẩn từ xa, trao đổi chuyên môn, chuyển tuyến theo đúng cụm điều trị đã được phân công.
Bến Tre: Giám sát chặt những người liên quan đến các ca bệnh COVID-19 nhiễm biến chủng Omicron
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bến Tre, đơn vị đã chọn ngẫu nhiên 4 mẫu dương tính với COVID-19 trên địa bàn gửi Viện Pasteur TP HCM để giải mã gen. Kết quả có 3/4 mẫu ở tại thành phố Bến Tre, Bình Đại, Chợ Lách thuộc biến chủng Omicron.
Ngay khi nhận thông tin liên quan ca nhiễm xác định biến chủng Omicron, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khẩn trương rà soát, đánh giá, giám sát chặt chẽ các trường hợp có liên quan 3 trường hợp nêu trên để kịp thời có giải pháp xử lý phù hợp.
Ngoài ra, để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhất là chủ động kiểm soát biến chủng mới Omicron đang diễn biến rất khó lường, lãnh đạo ngành y tế khuyến cáo mọi người dân tích cực hưởng ứng chiến dịch tiêm chủng đầy đủ liều vaccine phòng COVID-19 để bảo vệ sức khỏe. Đồng thời, thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, không chủ quan, lơ là và thực hiện các quy định phòng dịch của ngành Y tế và chính quyền địa phương.
Tính đến 18 giờ ngày 11/3, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn tỉnh là 55.003 ca, trong đó 45.719 ca F0 kết thúc điều trị, 408 trường hợp tử vong.
Đến nay, tại Bến Tre đã có 99,9% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm một mũi vaccine phòng COVID-19 (tương đương 1.038.729 người); 99,1% người tiêm 2 mũi (tương đương 1.029.635 người), trong khi đó, gần 70% người đã tiêm 3 mũi. Đối với trẻ em từ 12 - 17 tuổi, 99,1% trẻ phủ đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19.