Chiết xuất cây bách bệnh hỗ trợ trị yếu sinh lý ở nam giới

25-09-2022 13:36 | Vị thuốc quanh ta
google news

SKĐS- Yếu sinh lý là "nỗi đau thầm lặng" của không ít nam giới và đang có xu hướng gia tăng, trẻ hóa. Vậy trong y học cổ truyền, cây bách bệnh có thể cải thiện những biểu hiện gì của bệnh lý này?

1. Cây bách bệnh chứa hoạt chất gì hỗ trợ yếu sinh lý?

Cây bách bệnh còn có tên gọi khác là cây bá bệnh, mật nhân, hậu phác nam, nho nan… Là loại cây trung bình, thường mọc dưới các tán lá của những cây lớn. 

Thảo dược này thường mọc hoang ở vùng trung du và các tỉnh miền núi. Bộ phận dùng làm thuốc của cây là lá, thân, vỏ thân và rễ.

Hầu hết, các chiết xuất cây bách bệnh hòa tan trong nước có thể cải thiện yếu sinh lý, tăng cường khả năng sinh sản của nam giới (liên quan đến lượng tinh dịch, số lượng và khả năng di chuyển của tinh trùng).

Chiết xuất cây bách bệnh chứa quassinoid có tác dụng hỗ trợ yếu sinh lý, vô sinh nam bằng cách ức chế glycoprotein α-2-HS, gián tiếp làm tăng mức testosterone và độ nhạy insulin, cải thiện khả năng và ham muốn tình dục.

2. Các nghiên cứu khoa học chứng minh tác dụng của cây bách bệnh với nam giới

Nghiên cứu 1: Kích thích khả năng tình dục

Một nghiên cứu nhóm song song, mù đôi, đối chứng với giả dược, ngẫu nhiên đã được thực hiện tại Malaysia để điều tra bằng chứng lâm sàng về kích thích tình dục của chiết xuất cây bách bệnh ở nam giới.

Tổng cộng 12 tuần nghiên cứu ở 109 người đàn ông từ 30- 55 tuổi, được chia thành 2 nhóm. Nhóm 1 dùng 300mg chiết xuất cây bách bệnh. Nhóm 2 dùng giả dược. Kết quả cho thấy, các chỉ số về chức năng cương dương, ham muốn tình dục, khả năng di chuyển của tinh trùng, lượng tinh dịch đều ở mức cao hơn nhóm đối chứng.

photo-1663838346666

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh cây bách bệnh có khả năng cải thiện yếu sinh lý ở nam giới.

Nghiên cứu 2: Tác dụng với hoạt động tình dục

Một nghiên cứu ngẫu nhiên, mù đôi, có đối chứng với giả dược của các nhà khoa học Mỹ và Malaysia đã được tiến hành về tác dụng của chiết xuất cây bách bệnh đối với hoạt động tình dục và hạnh phúc ở nam giới. Đối với nghiên cứu này, nam giới từ 40–65 tuổi được sàng lọc trong 12 tuần. Kết quả cho thấy sự cải thiện đáng kể về quan hệ tình dục và thang đo độ cương cứng ở nhóm dùng cây bách bệnh so với nhóm chứng.

Nghiên cứu 3: Với các trường hợp suy sinh dục khởi phát muộn

Trong các nghiên cứu trên người, Tambi và cộng sự, nhà khoa học người Malaysia, đã điều trị một nhóm bệnh nhân bị suy sinh dục khởi phát muộn (LOH) bằng chiết xuất cây bách bệnh. Kết quả cho thấy cải thiện đáng kể điểm số các triệu chứng lão hóa ở nam giới (AMS) cũng như nồng độ testosterone trong huyết thanh. 

Do đó góp phần khẳng định, chiết xuất cây bách bệnh hữu ích như một chất bổ sung trong việc khắc phục các triệu chứng của LOH và để kiểm soát suy sinh dục, yếu sinh lý.

3. Thay thế liệu pháp hormon

Hội chứng thiếu hụt testosterone (TDS), có thể được đặc trưng bởi nhiều triệu chứng, bao gồm ham muốn tình dục thấp, mệt mỏi, tăng khối lượng chất béo, loãng xương hoặc rối loạn cương dương. 

Thông thường, TDS được điều trị bằng liệu pháp thay thế testosterone (TRT). Ngoài những tác dụng hữu ích, liệu pháp này có nhiều tác dụng phụ đáng kể, bao gồm cả ung thư tuyến tiền liệt. Cây bách bệnh là thảo dược thay thế TRT, đã được chứng minh là khôi phục thành công nồng độ testosterone trong huyết thanh, và cải thiện đáng kể tình trạng yếu sinh lý, thể chất và sức khỏe tình dục của bệnh nhân. Do đó, loại thảo dược này có thể được coi là một thay thế an toàn cho TRT.

4. Sử dụng cây bách bệnh thế nào?

Với mục đích cải thiện khả năng tình dục, hỗ trợ trị vô sinh nam, cây bách bệnh thường được sử dụng dưới dạng chiết xuất hoặc viên nang. Tuy nhiên, do thể trạng và mức độ bệnh của mỗi người đều khác nhau nên liều lượng và cách dùng cần được thực hiện theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ đông y.

Lưu ý: Người bệnh không nên mách nhau cách dùng để tránh thuốc không đạt hiệu quả lại tốn kém. Bên cạnh đó, phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú không được dùng loại thảo dược này.

Mời bạn xem tiếp video:

Hậu COVID- Phục hồi chức năng cho người mắc COVID-19 nhẹ và không triệu chứng.


Lê Thu Lương
Theo ncbi.nlm.nih.gov
Ý kiến của bạn