Hòa bình rời xa Syria
Có thể nói, chưa bao giờ chiến trường Syria trở nên “náo loạn” như hiện nay bởi có rất nhiều quốc gia đang tham chiến tại Syria biến Syria trở thành một bãi thử chiến sự với các mục tiêu theo đuổi riêng của mình. Cuộc nội chiến kéo dài 7 năm đã bắt đầu bước sang năm thứ 8 với sự tham gia của rất nhiều lực lượng đa quốc gia, quân đội của Chính phủ Syria, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), các nhóm phiến quân, Nga, Mỹ, Iran, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ…. và gần đây Anh cũng ngỏ ý sẽ tham gia chiến trường này.
Căng thẳng nhất là tình hình ở Đông Ghouta, nơi do phiến quân kiểm soát, các cuộc giao tranh giữa quân chính phủ và lực lượng nổi dậy vẫn diễn ra, mỗi ngày có hàng chục người chết và bị thương. LHQ cho rằng khu vực này đang xảy ra cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng khi người dân không thể sơ tán khỏi vùng chiến sự. Kể từ khi xung đột bùng phát ở Đông Ghouta từ ngày 19/2, đến nay đã có hơn 550 người dân tại Đông Ghouta thiệt mạng, khoảng 1500 người bị thương. Tất cả các bên tham chiến đều thừa nhận, tình hình tại Đông Ghouta đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn.
Đông Ghouta đang trở thành địa ngục trần gian
LHQ hy vọng, việc ban hành nghị quyết ngừng bắn 30 ngày sẽ cho phép các chuyến hàng cứu trợ như lương thực, thuốc men đến được với người dân Syria, giúp sơ tán những người bị thương và dân thường. Tuy nhiên ngay khi vừa ra đời, nghị quyết của LHQ đã bị các bên vi phạm.
Trong khi đó, ở phía bên kia, Tây Bắc Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đang triển khai chiến dịch quân sự Nhành Oliu nhằm ngăn chặn Mỹ thành lập đội quân an ninh biên giới giữa Syria, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ. Lực lượng mới này chủ yếu là người Kurd, Nhóm người được Ankara cho là khủng bố và là mối đe dọa an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ.
Làm sao dập được những đám lửa trong rừng?
Nghị quyết của LHQ ra đời nhưng dường như không có hiệu lực với các bên tham chiến tại Syria. Bởi lẽ, vấn đề mấu chốt trong nghị quyết này là lệnh ngừng bắn áp dụng trên toàn Syria nhưng lại không áp dụng với chiến dịch chống IS hay các nhóm khủng bố khác. Và nước nào cũng có những lý lẽ riêng của mình. Mỹ thì cho rằng, họ đang tiến hành các cuộc tấn công khủng bố, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có những mục tiêu khủng bố riêng cho mình trong chiến dịch Nhành Oliu, nên cuộc chiến của họ cũng không liên quan gì tới nghị quyết của LHQ.
Mượn bài “chống khủng bố” để tiến hành các cuộc tấn công quân sự là chiêu bài Mỹ thường áp dụng ở Trung Đông. Ngay Chính phủ Syria cũng cho rằng, nghị quyết của LHQ bao gồm những nơi mà người Mỹ đang hoạt động trái phép, chứ không phải là những cuộc chiến nhằm vào các nhóm khủng bố trên đất Syria.
Trước tình hình nghị quyết của LHQ không khả thi ở Syria, Nga đã kêu gọi một “khoảng dừng nhân đạo” những mong sẽ bình ổn được chiến trường đầy lửa đạn ở Syria. Theo đó, Nga kêu gọi ngừng bắn 5 giờ mỗi ngày ở Đông Ghouta nhằm thiết lập hành lang sơ tán người dân khỏi khu vực thuộc quyền kiểm soát của phiến quân. Phía Anh cho rằng, đề xuất này của Nga đi ngược lại với nghị quyết của LHQ về ngừng bắn trên toàn Syria mà chính Nga đã bỏ phiếu thông qua. Phương Tây tố cáo Nga và Syria là thủ phạm tiến hành các vụ tấn công ở Syria trong khi Nga bác bỏ và cho rằng các nước phương Tây đang tiến hành một cuộc chiến thông tin hủy hoại hình ảnh của Syria, tạo cớ tấn công quân đội Syria.
Các cuộc chiến trên thực địa, cuộc chiến thông tin mà phương Tây đang tiến hành khiến cho xung đột ở Syria ngày càng phức tạp, các nghị quyết của LHQ hay lệnh ngừng bắn của Nga không thể ngăn được đạn bom trút xuống đầu người dân Syria vô tội. Như vậy, tình hình Syria không thể giải quyết ngày một ngày hai, chỉ bằng một nghị quyết hay một mong muốn của 1 bên mà cần sự tham gia thực sự của các lực lượng ở Syria. Để dập được những đám lửa lớn trong rừng, cần nhiều hơn những cơn mưa …