Theo quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump, các sắc thuế với biểu thuế mới sẽ đánh vào khoảng 100 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Cụ thể, Washington sẽ áp thuế lên hàng loạt các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm điện tử, hàng tiêu dùng, quần áo và giày dép, đồng thời hạn chế hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc tại thị trường Mỹ.
Hãng tin Tân Hoa Xã ngay lập tức dẫn lời của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh cho biết Trung Quốc sẽ áp dụng ngay các biện pháp trả đũa Mỹ “thích đáng”. Theo Tân Hoa Xã, Bộ Thương mại Trung Quốc đã phản đối các biện pháp bảo hộ thương mại và chủ nghĩa đơn phương của Mỹ, cho rằng các biện pháp này là "một tiền lệ rất xấu" đối với thương mại song phương nói riêng và thế giới nói chung. Hãng tin Anh BBc cho biết thị trường chứng khoán Trung Quốc hôm thứ 6 đã sụt giảm do ảnh hưởng từ quyết định của chính quyền tổng thống Mỹ Donal Trump. Cụ thể, chỉ số chứng khoán tại sàn giao dịch Thượng Hải giảm 3,4%, còn chỉ số Hang Seng tại sàn giao dịch Hồng Kông giảm 3,67%.
Nhôm, thép sẽ là một mặt hàng bị Mỹ áp thuế nhắm vào Trung Quốc
Như vậy, cuộc đại chiến thương mại giữa hai người khổng lồ Mỹ và Trung Quốc đã bùng nổ. Trước đó, tháng 8 năm ngoái, Tổng thống Trump ra lệnh mở cuộc điều tra liên quan đến Điều 301, Luật thương mại năm 1974 nhằm vào cáo buộc Trung Quốc ăn cắp tài sản trí tuệ của nước này. Sau 7 tháng điều tra, các quan chức Mỹ được cho đã tìm ra bằng chứng mạnh mẽ rằng Trung Quốc sử dụng những giới hạn về sở hữu nước ngoài để buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho các công ty Trung Quốc. Vì vậy, Washington sẽ có quyền áp đặt các biện pháp trừng phạt bằng thuế lên hàng hóa Trung Quốc cho đến khi nào quốc gia này thay đổi chính sách cố hữu.
Với kế hoạch trên, ông Donald Trump đang hiện thực hóa chính sách “nói là làm” khi đưa ra khẩu hiệu tranh cử cuối năm 2016 “sexddoif lại công bằng” cho nước Mỹ. Một mặt, ông vừa thể hiện phương châm “nói là làm”, không dọa suông mà làm thật, buộc Trung Quốc phải cam kết gia tăng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các nhà đầu tư nước ngoài. Mặt khác, với việc áp thuế, hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ sẽ giảm, đồng nghĩa Mỹ sẽ thu hẹp mức thâm hụt thương mại khổng lồ với Trung Quốc, ước tính đã lên tới 375 tỉ USD vào năm ngoái.
Tuy nhiên, việc Nhà Trắng thông báo quyết định của Tổng thống Trump hoãn áp mức thuế nhập khẩu 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập dành cho EU- cùng thời điểm công bố quyết địnháp đặt biểu thuế mới nhắm vào Trung Quốc, rõ ràng đang "chọc tức" Bắc Kinh khi quốc gia này đang là nhà xuất khẩu thép số 1 thế giới. Song, tờ Le Monde (Pháp) lại đặt ra một góc nhìn khác. Đó là chính sách này mang lại lợi ích cho Mỹ hay không? thì vẫn còn phải chờ đợi. Le Monde cho rằng chính người tiêu dùng Mỹ mới là đối tượng phải chịu hậu quả nhiều hơn từ cuộc chiến này. Chứ Trung Quốc không chắc đã là người chịu thiệt.
Quản điểm của Le Monde không phải là không có lý. Giới phân tích kinh tế cho rằng Trung Quốc có thể gây thiệt hại cho Mỹ nếu đánh vào hàng nông sản Mỹ, đặc biệt là đậu nành, lĩnh vực thu về 14 tỷ USD/năm. Rõ ràng, trừng phạt thương mại kiểu “ăn miếng, trả miếng” sẽ chẳng bao giờ mang lại chiến thắng cho bên nào.
Trước mắt, Tổng thống Trump đượccho sẽ không thay đổi lập trường bởi trong quan điểm kinh tế của ông, thương mại là một cuộc chiến, xuất khẩu là tốt còn nhập khẩu là đáng lo, sự tồn tại của thâm hụt thương mại là bằng chứng cho thấy đối tác “chơi xấu”. Vậy nên với kế hoạch áp thuế cho các mặt hàng Trung Quốc, Tổng thống Trump lại một lần nữa muốn giành thế thượng phong trong cuộc chơi thương mại, buộc Trung Quốc phải tuân thủ luật sở hữu trí tuệ cũng như làm cân bằng cán cân thương mại với Mỹ. Nếu Trung Quốc muốn tránh một cuộc đối đầu, họ sẽ phải ngồi vào bàn đàm phán với giới chức Mỹ. Xem ra đó mới chính là mục đích của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong ván bài mang tên áp thuế lần này.